Dự án treo gây ô nhiễm, lãng phí

Quy hoạch treo là vấn đề nhức nhối, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân có nhà đất trong dự án bị “treo” mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm giảm lòng tin của người dân vào chính quyền các cấp… 

Từ khu đô thị treo

Con đường đất nối đường Bình Quới (phường 28, quận Bình Thạnh, TPHCM) dẫn vào khu phố 2 quanh co, nhỏ hẹp, càng đi sâu vào trong cây cỏ càng um tùm. Mặc dù nhà cửa khu vực này chưa nhiều và chỉ cách sông Sài Gòn trên dưới 100m, nhưng hệ thống cống thoát nước đầy bịch ni lông, cỏ rác; còn nước thì đen ngòm hôi thối.

Anh Tuấn, một người dân sống tại đây và đang lội xuống dòng kênh đen vớt rác để khơi thông nước chảy ra sông Sài Gòn, giải thích: “Do khu vực này bị quy hoạch treo hơn 20 năm nên công tác vệ sinh môi trường do người dân tự làm để giảm bớt ô nhiễm môi trường sống”.

Nói về quy hoạch treo của Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, anh Tuấn cho biết năm anh lấy vợ lúc 27 tuổi và đã có thông tin quy hoạch về dự án này. Đến nay, anh đã 48 tuổi, có 3 con, đứa đầu đã đi bộ đội, nhưng quy hoạch đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Dự án treo gây ô nhiễm, lãng phí ảnh 1 Chỉ cách trung tâm TP chưa đến 5km nhưng bán đảo Thanh Đa như một vùng quê hẻo lánh
Anh Tuấn dẫn chúng tôi vào căn nhà cấp 4 của mình, chỉ tay vào nhiều mảng tường đã nứt nẻ, nhiều lần ra UBND phường xin sửa chữa nhưng không được nên cứ phải để vậy, dù nhiều chỗ còn bị dột khi mưa… Không chỉ nhà anh Tuấn, mà nhiều nhà lân cận cũng lâm vào tình cảnh nhà cửa xuống cấp, không xây sửa được, chuyển nhượng cũng không xong…

Tại kỳ họp HĐND TPHCM khóa 9 vừa qua, đại biểu HĐND Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, dự án này treo quá lâu đã ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống người dân. Việc bồi thường cũng chưa được tiến hành, giao thông và môi trường sống xung quanh nhếch nhác, nhà cửa xuống cấp, đời sống của người dân rất thấp, còn tệ hơn cả tạm cư.

“Mặc dù TPHCM luôn mời chào đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có chủ đầu tư chính thức. Việc treo dự án quá lâu đã quá sức chịu đựng của cử tri. Tôi đến khu vực này và nhận thấy thực tế bán đảo Thanh Đa không kém gì một vùng đất hoang hóa, đời sống người dân quá chật vật”, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho hay.

Từ đó, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị sớm có giải pháp giải quyết cho dân, không để dự án tiếp tục kéo dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con cử tri. 

Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch từ năm 1992. Đến năm 2004, dự án này được giao Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn thực hiện nhưng đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, chính quyền thành phố thu hồi quyết định.

Sau đó, một đơn vị khác trong nước được UBND TPHCM giao điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427ha đất, tương đương diện tích của toàn phường 28, quận Bình Thạnh. Hiện chỉ có cầu Kinh là lối vào bán đảo Thanh Đa bằng đường bộ duy nhất, ngoài bến phà nhỏ Bình Quới.

Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản ở Dubai - UAE) được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Khu đô thị sinh thái này có đầy đủ chức năng dành cho dân số khoảng 41.000 - 50.000 người, có cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối với các khu vực kế cận.

Nơi đây sẽ là khu đô thị mới quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại. Tuy nhiên, mới đây Emaar Properties PJSC đã rút khỏi liên danh và việc xem xét chủ đầu tư phải làm lại từ đầu. Như vậy, một lần nữa dự án lại chưa có chủ đầu tư chính thức và người dân tiếp tục chờ đợi sau 26 năm bị treo.

Đến khu tái định cư trên… giấy

Từ cầu Tham Lương (Khu công nghiệp Tân Bình) rẽ vào đường TTN 17, sau những dãy nhà bề thế là một khu đất rộng hàng chục héc ta, cỏ mọc um tùm, nhiều nơi trở thành bãi rác công cộng, đây là khu tái định cư 38ha.

Điều gây bức xúc là người dân ở đây bị giải tỏa để lấy đất phục vụ dự án, nhưng sau khi thu hồi xong lại bỏ hoang. Sự hoang hóa này đã kéo dài hơn 10 năm, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí tài nguyên đất. Theo tài liệu chúng tôi có được, năm 2002 UBND TPHCM phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư 38ha tại phường Tân Thới Nhất (quận 12).

Theo kế hoạch, khi hoàn thành dự án sẽ bố trí 761 nền đất và xây dựng 2.944 căn hộ chung cư để phục vụ tái định cư cho các hộ dân tại chỗ và hộ dân bị giải tỏa di dời trong dự án mở rộng, nâng cấp đường Trường Chinh. Khi triển khai dự án, diện tích đất phải thu hồi là 36,2ha, có tổng số 740 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó, 719 căn hộ bị giải tỏa trắng.

Nhưng sau gần 15 năm thực hiện, đến nay dự án vẫn trong tình trạng nham nhở. Người dân tại khu phố 5, phường Tân Thới Nhất cho biết do chậm triển khai, dự án biến thành bãi rác, bãi tập kết vật liệu thu gom của những người mua bán phế liệu và cũng là ổ tệ nạn hút chích…

Được biết, khi vận động di dời để xây dựng dự án, người dân ở đây đã đồng thuận giao đất với cam kết của chính quyền sẽ được bố trí tái định cư trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng, họ đã phải chờ từ năm này sang năm khác và đến nay giấc mơ an cư vẫn còn xa vời.

Theo ghi nhân của phòng viên, hiện nay phần lớn diện tích đất đã giải tỏa xong nhưng chỉ một số ít được đầu tư xây dựng chung cư, số diện tích còn lại do người dân không đồng ý về đơn giá bồi thường hoặc quận chưa có quỹ nhà tái định cư.

Về trường hợp cưỡng chế nhà dân rồi giao đất cho Trường Trung cấp Phương Nam để xây dựng trường nghề (nằm trong khu tái định cư 38ha), nhưng đơn vị này bỏ hoang từ năm 2012 đến nay (Báo SGGP đã có bài phản ánh).

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết sau khi báo phát hành, lãnh đạo quận đã rà soát lại hồ sơ và đi đến quyết định thu hồi dự án này để xây dựng trường công lập.

Ông LÊ MINH ĐỨC (Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM):

Dự án không khả thi, phải xóa để trả lại quyền lợi của người dân

Quy hoạch đất đai là công cụ có tính chất 2 mặt: Nếu thực hiện tốt và có cơ sở khoa học thì sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; còn nếu quy hoạch đã được thông qua nhưng chậm triển khai, thường gọi là quy hoạch “treo”, thì sẽ trở thành lực cản rất lớn cho sự phát triển của địa phương, nhất là lãng phí nguồn lực, gây bức xúc trong dân.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong các vùng quy hoạch treo, Chính phủ cần có chế tài quy định rõ trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do chậm, hoặc không triển khai thực hiện quy hoạch gây ra.

Đối với các địa phương, cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý dự án treo theo quy định của Luật Đất đai. Nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ; dự án nào không khả thi, dứt khoát phải xóa để trả lại quyền lợi cho dân.

Ngay cả dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết (hoặc theo giấy phép) cũng phải bị thu hồi.

Ông NGUYỄN ĐĂNG SƠN (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng TPHCM):

Người dân trong vùng quy hoạch phải được quyền xây nhà cửa

Quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch cần được đảm bảo, phải được giải quyết thỏa đáng. Nếu ngày nào dự án chưa triển khai, thì cần đảm bảo đầy đủ các quyền lợi cho người dân như khi chưa có quy hoạch.

Hiện nay, người dân trong vùng quy hoạch chỉ được xây sửa tạm, không được tách thửa… Nhiều dự án “treo” 10 - 20 năm khiến toàn bộ nhà dân trong khu vực bị quy hoạch xuống cấp trầm trọng, nhếch nhác…

Chính việc quy hoạch “treo” đã “treo” luôn quyền lợi của người dân, tạo ra sự khác biệt quá lớn về điều kiện sống, về giá trị đất đai giữa khu vực bị quy hoạch và khu vực không vướng quy hoạch. Như vậy, quy hoạch “treo” đã tạo ra 2 giá trị, khoảng cách; thậm chí tạo ra môi trường thuận lợi cho những người có ý đồ muốn ép người dân đang bị vướng vào thế quy hoạch “treo” phải nhượng lại những thứ người dân đang có với giá rẻ mạt.

Có thể việc quy định người dân chỉ được xây sửa nhà hạn chế và cam kết khi thu hồi chỉ được bồi thường nguyên trạng trước đó, sẽ giúp TP và các chủ dự án tiết kiệm được tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng cái mất lớn hơn là niềm tin.

Khi nỗi khổ của người dân kéo dài và tăng lên, niềm tin của người dân sẽ lung lay và giảm xuống. Nếu các quyền lợi của người dân ở vùng quy hoạch được đảm bảo như nơi không bị quy hoạch thì sẽ không có sự khác biệt về điều kiện sống, lòng tin của người dân mới được củng cố.

Phải tái định cư gần nơi ở cũ nhất có thể của người dân. Bởi không ai khác, chính người dân - nơi thực hiện dự án - phải được thụ hưởng lợi ích từ dự án đó.

MẠNH HÒA (ghi)

Tin cùng chuyên mục