Thông tin trong vòng 2 năm UBND TPHCM đã “xóa” được 536 dự án chậm triển khai với diện tích hơn 5.300ha, tưởng là thông tin vui đến người dân nằm trong quy hoạch. Thế nhưng, thực tế, nhiều dự án đền bù kiểu “da beo”, không có khả năng thực hiện tiếp khiến quyền lợi người dân bị “treo”. Nhiều dự án căn hộ cũng thế, sau thời kỳ quản lý lỏng lẻo, Nhà nước để những chủ đầu tư không có năng lực, “tay không đánh trận”, chỉ dựa vào vốn góp của dân, khi bất động sản đóng băng, dự án chỏng chơ, người dân đã bỏ tiền ra phải nằm chờ…
Hậu quả của “tay không bắt giặc”
Từ năm 2010, Công ty CP T. sau khi hoàn tất dự án chung cư tại phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, đã ký hợp đồng hợp tác với ngân hàng để giới thiệu khách hàng vay vốn và thế chấp bằng chính căn hộ đã mua. Thế nhưng, sau khi có khách hàng vay vốn không trả nợ đúng hạn, ngân hàng đến kiểm tra tài sản thế chấp mới phát hiện có trường hợp căn hộ bị chủ đầu tư thay số hiệu khác, dùng bán tiếp lần nữa và chủ mới đã ở! Điều đáng nói, những người đứng tên vay vốn trước đây không ai khác chính là… nhân viên công ty! Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo công ty T. giải thích, việc đánh lại số khác và bán căn hộ lần nữa là do lúc đó ông đi nước ngoài, ở nhà cấp dưới không biết… nên ký bán cho người khác?!
Một trường hợp khác cũng không kém nghịch lý khi nhiều người dân bỏ tiền ra mua nền đất chính trên đất người thân mình đang ở. Đó là trường hợp ở dự án khu 12A Bình Trưng Đông, phường Cát Lái, quận 2, TPHCM. Dự án này do UBND TPHCM giao cho Công ty CP Xây dựng số 14 vào đầu năm 2001. Cũng kiểu “tay không đánh giặc”, “xí” đất rồi bán bằng hình thức “hợp tác đầu tư”, nên khi nhận được dự án, Công ty Xây dựng số 14 liên doanh hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và kinh doanh nhà Đất Lành (nay đổi tên thành Công ty CP ĐT TMDV Đất Lành, do ông Vũ Anh Cường làm tổng giám đốc). Công ty Đất Lành vẽ dự án rồi bán ra cho dân. Đến hạn, công ty vẫn không giao nền đất. Bà Phạm Thị Tuyết (ngụ tại quận 1, TPHCM) yêu cầu công ty cung cấp thông tin dự án và đến tận nơi tìm hiểu, mới hay nền đất bà mua chính là khu đất chị gái của bà đang ở, hiện nay vẫn chưa giải tỏa đền bù! Được biết hơn 40 hộ dân có diện tích đất chiếm hơn nửa diện tích dự án đang khiếu nại yêu cầu bồi thường hoặc xóa dự án treo để họ được sinh sống ổn định. Dự án giải tỏa chưa xong, treo trên chục năm, trong khi chủ đầu tư đã phân lô bán nền, ôm tiền của nhà đầu tư rồi bắt dân trong khu vực giải tỏa sống trong khắc khoải. Trong khi, những lá đơn gởi đến chính quyền địa phương đều bị… làm ngơ!
6 năm chưa biết giá bồi thường!
Trả lời trước HĐND TPHCM trong kỳ họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho biết những dự án chưa có quyết định thu hồi đất thì TP bảo đảm mọi quyền lợi cho người dân được sửa chữa, xây dựng nhà ở, cấp chủ quyền, chuyển nhượng, tách thửa… Thế nhưng, thực tế ở địa phương khác hẳn. Những người sống trong khu quy hoạch phải chịu khổ trăm bề…
Các hộ dân sống tại tổ dân phố 148, ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh phải sống trong đền bù một cách mơ hồ từ nhiều năm nay. Họ được thông báo nằm trong dự án của Công ty Việt Liên Á (thuộc lô Ban Quản lý Khu Nam), thế nhưng, 6 năm qua đến giá bồi thường cũng không biết. Các quyền sở hữu bị hạn chế, trong khi thuế đất người dân vẫn đóng hàng năm! Ông Nguyễn Anh Huy, người dân ở đây cho biết: hai dự án nằm sát nhau nhưng dự án của Công ty Tiến Phước đã đền bù xong. Có nhà nằm trên hai dự án mà một bên đền bù xong, bên còn lại không đền bù nên tiền để di dời thì không đủ, sinh sống trên phần đất còn lại thì… thiếu chỗ ngủ! Nhiều lần người dân chỉ mong muốn được biết giá đền bù nhưng chính quyền địa phương vẫn im lặng. Ngay cả khi dân phản ánh đến báo chí, chúng tôi điện thoại đến Ban Quản lý Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh yêu cầu hẹn lịch gặp gỡ người có chức năng trả lời báo chí nhưng cô nhân viên cứ khăng khăng yêu cầu tôi phải xuống tận nơi, vào phòng tiếp dân để hỏi. Báo chí còn bị gây khó dễ, nói chi là dân! Đó là lý do, các đơn khiếu nại (yêu cầu công khai có quy hoạch hay xóa, nếu còn tiếp tục thực hiện dự án thì phải công khai giá bồi thường) được người dân gởi đến HĐNĐ TP, UBND TP và các cơ quan này đã gởi công văn yêu cầu UBND huyện Bình Chánh trả lời cho dân và báo cáo cho HĐND TP biết. Thế nhưng, mặc cho chỉ đạo, các đơn thư cứ rơi vào quên lãng…
Do vậy, thông tin xóa quy hoạch, công khai quy hoạch đã được UBND TP tuyên bố mới đây, để người dân yên tâm rất cần “tăng liều lượng” kiểm tra, giám sát!
HÀN NI