Dự báo cuộc cạnh tranh khốc liệt

Dự báo cuộc cạnh tranh khốc liệt

Nhiều ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam

Trong lúc nhiều ngân hàng trong nước bị sáp nhập, nhà nước đứng ra mua lại 0 đồng và thậm chí đề xuất sẽ cho giải thể một số ngân hàng yếu kém trong thời gian tới, thì nhiều ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang ồ ạt “đổ bộ” vào Việt Nam. Điều này dự báo một cuộc cạnh tranh khốc liệt về công nghệ, dịch vụ nhằm nâng chất lượng phục vụ khách hàng…

Cuộc “đua” mới

Nhiều hoạt động đầu tư, mua cổ phiếu, cổ phần, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trở thành cổ đông lớn của các ngân hàng trong nước, như Vietcombank, Eximbank, VietinBank, ACB, Sacombank, OCB, SeABank… Các hoạt động đầu tư của các tổ chức quốc tế vào các ngân hàng Việt Nam diễn ra khá sôi động trong thời gian gần đây. Cụ thể là Tổ chức tài chính quốc tế IFC (thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới) vừa đầu tư hơn 18 triệu USD (khoảng 400 tỷ đồng) mua cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank). Khoản đầu tư này sẽ giúp thêm vốn để TPBank cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các chuyên gia tài chính còn dự báo, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) sẽ diễn ra sôi nổi hơn trong thời gian tới.

Giao dịch tại Ngân hàng Standard Chartered. Ảnh: CAO THĂNG

Hoạt động thu hút đầu tư vốn nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ ngân hàng là một dấu hiệu đáng mừng cho ngành tài chính ngân hàng. Chúng ta không thể không thừa nhận là hiệu quả của hoạt động thu hút không chỉ tăng thêm nguồn vốn, mà các đối tác, nhà đầu tư chiến lược đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các ngân hàng về công nghệ, quản trị, nâng chất dịch vụ, định hướng kinh doanh… Và gần đây, nhiều ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tư và được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước vừa cho phép thành lập Ngân hàng CIMB Bank Berhad tại Việt Nam 100% vốn nước ngoài, với mức vốn điều lệ hơn 3.200 tỷ đồng. Ngân hàng này là ngân hàng thứ 2 của Malaysia được thành lập tại Việt Nam, sau Ngân hàng Public Bank Perhad của Malaysia được cấp phép vài tháng trước. Tính đến nay, đã có 7 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Do vậy, có lý do để các chuyên gia tài chính dự báo thời gian tới, các ngân hàng “nội” phải chịu sự cạnh tranh của các ngân hàng “ngoại”. Điều đó đòi hỏi đã đến lúc các ngân hàng trong nước phải thay đổi tư duy hội nhập, tích cực, chủ động hơn để tăng tính cạnh tranh với các đối thủ “ngoại”.

Cần sự “lột xác”

Thực trạng hiện nay ở các ngân hàng là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý còn lỏng lẻo. Điển hình là có rất nhiều vụ mất tiền trong tài khoản ngân hàng xảy ra gần đây, nhưng không tìm ra được thủ phạm, khiến khách hàng bị thiệt thòi. Theo thống kê mới nhất thì có hơn 50% số khách hàng bị mất tiền vì sự bảo mật kém của ngân hàng đành chịu im lặng, vì thủ tục đòi quyền lợi quá phức tạp và khó khăn. Việc xử lý sự cố của các ngân hàng hầu như chưa đứng về phía khách hàng, khiến cho khách hàng nghĩ mình chưa được phục vụ tốt. Việc từ bỏ quyền lợi của mình này đã nói lên niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng bị giảm sút. Do vậy, cùng với sự ồ ạt đầu tư của các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam, các chuyên gia tổng kết những điểm yếu cần thay đổi của các ngân hàng trong nước như sau:

Thứ nhất, phải đầu tư công nghệ bảo mật và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Bởi hiện nay, điều kiện năng lực tài chính, năng lực kinh doanh và kinh nghiệm quản lý của các ngân hàng thương mại Việt Nam còn rất nhiều hạn chế cần phải được chấn chỉnh.

Thứ hai, khó khăn thách thức đối với các ngân hàng thương mại trong nước hiện nay là vốn thấp, tài sản ít, dẫn đến khó khăn trong đầu tư, mở rộng quy mô phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong khi ngân hàng nước ngoài tấn công vào thị trường trong nước. Các ngân hàng trong nước chủ yếu chỉ tập trung đầu tư vào tín dụng và cho vay nội địa. Đến 60% - 70% thu nhập của các ngân hàng Việt Nam là từ cho vay. Sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng trong nước chưa đa dạng. Trong khi đó, các ngân hàng thế giới lại phát triển đa dạng dịch vụ đáp ứng yêu cầu của khách hàng như dịch vụ sổ sách doanh nghiệp, quản trị tiền cho những người thu nhập cao hoặc dịch vụ ngoại hối.

Thứ ba, một tồn tại mà lâu nay trong hệ thống các ngân hàng vẫn chưa được xử lý, đó là tình trạng nợ xấu, gây nhiều rủi ro cho ngân hàng. Vấn đề này cần được xử lý sớm thì ngân hàng mới đủ sức trong chạy cuộc đua mới với các ngân hàng thế giới. Do vậy, các chuyên gia đề xuất cần tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống tín dụng trong nước cũng như hoàn thiện pháp luật và thể chế ngành ngân hàng giúp phát triển bền vững hệ thống tài chính, tiền tệ.

Việt Nam đã có 7 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động, gồm: ANZ Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, HSBC Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam, Public Bank Perhad Việt Nam, CIMB Bank Berhad Việt Nam.

Ngoài ra, còn có 2 ngân hàng khác vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nguyên tắc, cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam là Woori bank (Hàn Quốc) và Citibank (Mỹ).

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục