Du lịch các tỉnh Bắc miền Trung: Thiếu chiến lược phát triển vùng

Du lịch các tỉnh Bắc miền Trung: Thiếu chiến lược phát triển vùng

Theo thống kê, năm 1992 khu vực Bắc miền Trung đón khoảng 57.000 lượt khách quốc tế và 500.000 khách nội địa. Đến năm 2009 đón 1,2 triệu lượt khách quốc tế và trên 6,5 triệu khách nội địa. Doanh thu từ du lịch năm 2009 đạt trên 3.000 tỷ đồng.

Vùng Bắc miền Trung được xem là khu vực có tiềm năng lớn về du lịch. Với trên 400km bờ biển, vùng này có những bãi biển đẹp: Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế)… Bắc miền Trung là vùng có những di sản thế giới được UNESCO công nhận: Phong Nha-Kẻ Bàng, di tích cố đô Huế, nhã nhạc cung đình, mộc bản triều Nguyễn và có hệ thiên nhiên, sinh thái, cảnh quan phong phú, đa dạng, như Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế)…

Suối cá thần Cẩm Lương (Thanh Hóa) - một điểm hấp dẫn khách du lịch

Suối cá thần Cẩm Lương (Thanh Hóa) - một điểm hấp dẫn khách du lịch

Không chỉ thế, khu vực Bắc miền Trung còn nhiều điểm văn hóa, lịch sử đặc biệt như thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Kim Liên-quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc; các lễ hội dân gian, sắc thái văn hóa của gần 30 dân tộc anh em trong vùng… Giao thông khá thuận lợi với hệ thống đường bộ, đường sắt, các sân bay Vinh, Đồng Hới, Phú Bài; có các cửa khẩu Nậm Cắn, Cầu Treo, Cha Lo, Lao Bảo…

Thế nhưng, việc khai thác, tìm hướng đi cho ngành du lịch khu vực này vẫn chưa hiệu quả. Các tỉnh chưa có sản phẩm du lịch đặc thù và độc đáo. Ví dụ, tỉnh nào cũng có bãi biển, nhưng việc khai thác du lịch lại trùng lắp, thiếu sự “tham khảo” và hỗ trợ lẫn nhau. Có thời điểm lại cùng diễn ra nhiều lễ hội khiến du khách nhàm chán, dẫn tới việc không kéo dài được thời gian lưu trú, không tăng doanh thu từ du khách. Vấn đề xây dựng “thương hiệu điểm đến” vẫn chưa được chú trọng, chưa nơi nào thực sự nổi bật và cuốn hút. Một điều tưởng như nhỏ nhưng vẫn chưa được cải thiện, tạo nên điểm nhấn: phong cách và thái độ phục vụ chuyên nghiệp.

Theo khảo sát của một số đơn vị du lịch, không ít du khách quốc tế và nội địa khi đến một địa phương ở Bắc miền Trung không hề biết ở địa phương đó đang diễn ra sự kiện gì. Năm 2006, tại Đà Nẵng và Hội An diễn ra Hội nghị các quan chức cấp cao của 21 nền kinh tế-SOM3 và Hội nghị Bộ trưởng du lịch APEC. Đây là một cơ hội rất tốt để quảng bá tiềm năng du lịch các địa phương. Tuy nhiên, cơ hội hiếm có này đã bị bỏ qua.

PGS-TS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: “Qua thực tế, có thể thấy, các địa phương trong vùng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thiết lập các mối liên kết phát triển du lịch. Việc phát triển du lịch theo lối “mạnh ai nấy làm”. Không ít nhận xét cho rằng, cách làm du lịch hiện nay ở đây đang “giẫm nhau”. Về mặt tư duy, địa phương nào cũng chỉ tập trung vào các dự án của mình, không quan tâm đến liên kết. Du lịch Bắc miền Trung đang thực sự thiếu “nhạc trưởng”.

Một ví dụ điển hình, như việc thực hiện hành trình “Con đường di sản thế giới”. Các địa phương kỳ vọng sẽ tạo nên sợi dây liên kết phát triển. Thế nhưng, khi thực hiện chương trình không có người điều hành chung, không thỏa thuận được về mô hình quản lý, không kiểm tra,... Thực tế, chỉ có các đơn vị kinh doanh lữ hành khai thác thương hiệu này, nhưng cũng chỉ giới hạn ở việc đưa khách đi tham quan theo tour, tự lấy thương hiệu để quảng bá tour.

Trong tương lai, để du lịch Bắc miền Trung phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương và vùng cần xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc sắc, tiêu biểu cho cả vùng; đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ và dịch vụ; cải thiện môi trường văn hóa tại các điểm du lịch… Đã đến lúc cần có chiến lược chung, hỗ trợ, liên kết nhau. “Chỉ khi “đồng thanh, đồng khí” và có một “nhạc trưởng” xứng tầm, du lịch Bắc miền Trung mới có thể cất cánh” - ông Doãn Văn Phú, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa khẳng định.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục