Du lịch ĐBSCL giàu tiềm năng, nghèo tổ chức

Tại hội thảo “Giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” vừa được tổ chức tại Hậu Giang, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cùng các công ty du lịch, chuyên gia đã đóng góp ý kiến, đề ra nhiều giải pháp phát triển du lịch của vùng sông nước này.
Du lịch ĐBSCL giàu tiềm năng, nghèo tổ chức

Tại hội thảo “Giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” vừa được tổ chức tại Hậu Giang, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cùng các công ty du lịch, chuyên gia đã đóng góp ý kiến, đề ra nhiều giải pháp phát triển du lịch của vùng sông nước này.

Chỉ là “điểm ghé”, chưa thành “điểm đến”

Theo Tổng cục Du lịch, vùng ĐBSCL năm qua đã đón tiếp và phục vụ trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 8,2% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và có doanh thu chiếm khoảng 3% tổng thu từ khách du lịch của cả nước! Con số này, theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thì lượng khách ở mức trung bình nhưng giá trị thu lại xếp vị trí cuối. Có nghĩa là du khách đến đây chi tiêu rất thấp, vì sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu chuyên nghiệp.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, lâu nay các sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL trùng lặp nhau giữa các tỉnh. Nói như ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch vòng tròn Việt, vùng ĐBSCL có ưu điểm miệt vườn, sông nước và đặc biệt du lịch trên sông Mê Kông đang rất được du khách nước ngoài ưa chuộng, nhưng chúng ta không thể tạo ra sản phẩm thu hút khách, trong khi ở Hà Lan, Pháp, Singapore phải sử dụng sông nhân tạo mà vẫn thu hút được du khách.
Một vấn đề nữa mà nhiều đại biểu cho rằng đã cản trở sự phát triển du lịch, đó là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhân lực có trình độ ngoại ngữ ít và khách sạn còn thiếu. Về thiếu khách sạn, theo bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội, ĐBSCL có thể phát triển được mô hình du lịch “homestay”, nhưng vấn đề quan trọng trong mô hình homestay là phải nâng ý thức người dân lên. Mỗi người dân như một đại diện cho thương hiệu sản phẩm chứ không phải làm qua loa kiểu “quần áo rách te tua” như thế được. Du khách rất thích trải nghiệm, thích được trèo lên cây hái trái, ăn ngay. Cái hay ở vùng sông nước còn là sự nhiệt tình của người dân, đậm đà bản sắc nhưng lại không có “nhạc trưởng” để cho ra sản phẩm mới nên khó thu hút du khách.

Du khách tham quan mua sắm tại các thuyền trên chợ nổi

Cần sự kết nối, điều phối

Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, cho rằng cần phải sớm hình thành Ban điều phối vùng, bởi vùng này hiện nay vẫn thiếu “nhạc trưởng”. Khi có “nhạc trưởng” mới có thể xúc tiến du lịch trong nước và ngoài nước, nhất là các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan để thu hút khách quốc tế. Điều ông Sơn phát biểu dường như “gãi ngứa” đúng chỗ của hội thảo và ngay cả đại diện Tổng cục Du lịch cũng đồng tình. Thực tế nhiều năm qua đã diễn ra rất nhiều cuộc họp nhưng đến nay du lịch vùng ĐBSCL vẫn còn ì ạch. Cứ trong vòng luẩn quẩn, doanh nghiệp chờ Nhà nước, còn Nhà nước mong muốn doanh nghiệp đầu tư…

Nhiều ý kiến đề xuất, phải có một gói dịch vụ chung cho vùng có thể từng cụm nhưng sản phẩm phải khác nhau. Mỗi tỉnh cần có một đơn vị để chọn được các điểm nhấn tốt nhất. Sau đó, cả vùng gộp chung các sản phẩm để đưa ra từng tour phù hợp, không trùng lặp. Khi có được sản phẩm mới bắt đầu công tác truyền thông quảng cáo để ra sản phẩm dịch vụ chung của cả vùng và du khách chỉ việc chọn lựa. Ông Lâm Thanh Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng thừa nhận, vùng ĐBSCL có rất nhiều lợi thế nhưng chưa gắn kết chặt chẽ các địa phương với nhau nên chưa tạo ra được sản phẩm hoàn chỉnh. Còn các chuyên gia đặt ra vấn đề từ thực tế rằng, gói dịch vụ là một ý tưởng rất hay nhưng dịch vụ này thì đơn vị nào sẽ đứng đầu, bởi doanh nghiệp hoạt động độc lập, muốn mang lại lợi nhuận về cho công ty mình.

Cũng có ý kiến đề xuất trong thời điểm vùng ĐBSCL chưa có nhiều khách sạn phục vụ du khách thì có thể hình thành các tour từ TPHCM đi các tỉnh rồi lại quay về TPHCM ngủ. Nhưng nội dung tranh luận vẫn là thời gian di chuyển không hợp lý, vì giao thông chưa thông thoáng, các dịch vụ tiện ích chưa đáp ứng. Nhưng tất cả ý kiến đều thống nhất, với kiểu du lịch “mạnh ai nấy phát triển, khai thác, hủy hoại môi trường”… như hiện nay, thì không thể cạnh tranh và phát triển bền vững. Do vậy, rất cần có một “nhạc trưởng” liên kết để phát triển ngành vững mạnh.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục