Nói đến mảnh đất Đồng Tháp là nhắc đến hình ảnh những đầm sen bát ngát đã đi vào ca dao: Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ cùng những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay đẹp như tranh vẽ. Và Đồng Tháp cũng là nơi còn giữ được nhiều làng nghề truyền thống. Nhưng chỉ đến vài năm gần đây, du lịch mới được quy hoạch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Có thể ví du lịch Đồng Tháp đang trong giai đoạn trở mình.
Bà Võ Thị Tuyết Hoa, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch của Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp, nhận xét: Trước đây, du lịch của tỉnh chỉ ở dạng tài nguyên, vài năm gần đây mới được quan tâm đầu tư và được xác định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Theo đó, tỉnh quy hoạch có 3 sản phẩm du lịch chủ đạo gồm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch làng nghề.
Với du lịch sinh thái, có các điểm vườn quốc gia Tràm Chim, di tích Xẻo Quít, đồng sen huyện Tháp Mười. Khách thích nhất là đến vườn quốc gia Tràm Chim vào mùa nước nổi để xem thu hoạch lúa ma (lúa trời), trải nghiệm cùng nông dân đánh bắt cá. Đây cũng là mùa chim sinh sản để du khách chiêm ngưỡng các loài chim đa dạng.
Học sinh về nguồn, tìm hiểu môi trường thiên nhiên và lịch sử tại Khu di tích Xẻo Quít.
Với du lịch văn hóa - lịch sử, có nhà cổ Sa Đéc đã đi vào tác phẩm văn học - điện ảnh nổi tiếng, thăm Trường nữ Trưng Nữ Vương có từ thời Pháp thuộc; thăm di tích cụ Phó bảng; thăm di tích Gò Tháp. Qua thống kê của sở, du lịch văn hóa - lịch sử đang là sản phẩm thu hút đông du khách nhất. Hiện nay khách quốc tế thường theo tuyến du lịch đường sông Tiền Giang đến Sa Đéc rồi ngược lên đi An Giang, qua Campuchia.
Đồng Tháp cũng rất nổi tiếng với các sản phẩm làng nghề mà một số sản phẩm được liệt vào danh sách các món ngon của quốc gia, như nem Lai Vung, bánh phồng tôm Sa Giang, làng dệt chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò), quýt hồng Lai Vung. Đến nay, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận 44 làng nghề và không ít làng nghề đã trở nên quen thuộc với du khách, như làng nghề nem Lai Vung, làng hoa Sa Đéc. Trong đó, Sa Đéc đang được tỉnh quy hoạch trở thành TP hoa miền sông nước Nam bộ.
Từ nhận thức đó, tỉnh Đồng Tháp đang chú trọng đến công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch đến du khách trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức, nhiều kênh quảng bá khác nhau như báo in, báo điện tử, Đài Phát thanh - Truyền hình, tổ chức các sự kiện du lịch. Từ năm 2014, tỉnh Đồng Tháp đã có sáng kiến chọn tổ chức một sự kiện du lịch trong năm và gắn với một điểm du lịch cụ thể.
Theo kế hoạch, từ ngày 21 đến 27-11-2014, tại Khu di tích Xẻo Quít, tỉnh sẽ tổ chức công bố slogan du lịch “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen” gắn với các hoạt động văn hóa lễ hội kỷ niệm 20 năm ngày di tích này được công nhận là di tích quốc gia với các hoạt động nổi bật như tái hiện phiên chợ quê xưa, tổ chức phiên chợ hàng Việt Nam chất lượng cao.
Theo số liệu của Sở VH-TT-DL Đồng Tháp, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2014 đạt 168,23 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Con số này còn khá khiêm tốn nếu so với sự đa dạng về tài nguyên du lịch mà tỉnh đang có. Theo nhận định của Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp) thì nguyên nhân là do sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn và cơ sở hạ tầng khách sạn còn khiêm tốn: Khách du lịch đến Đồng Tháp chủ yếu là hành hương đến 2 khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Gò Tháp đều không bán vé; khách chủ yếu đến rồi đi trong ngày là chính, vì có ở lại cũng không biết sẽ vui chơi ở đâu vào ban đêm và cũng không có nhiều khách sạn đủ tiêu chuẩn quốc tế để lưu trú. Toàn tỉnh hiện có 80 cơ sở lưu trú với công suất 1.354 phòng.
Trong đó, ngay tại TP Cao Lãnh mới chỉ có 2 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao, còn số đông chỉ là 1 sao và cũng chỉ mới có 38 cơ sở được công nhận xếp hạng (chiếm chưa đến 50%). Ngay ở Khu di tích Xẻo Quít (cách TP Cao Lãnh 32km), dù lượng khách đến trong 9 tháng năm 2014 tăng vọt với hơn 80.000 lượt nhưng theo ông Nguyễn Văn Tiềm, Giám đốc khu di tích, khách quốc tế chỉ có khoảng 3.000 trong khi giai đoạn 1999-2001 có đến 45.000 lượt. Nguyên do chính là dịch vụ và đường đi chưa thuận lợi nên khách quốc tế chuyển sang hướng từ TPHCM đi Bến Tre, Tiền Giang nhiều hơn.
Vì thế, tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; cần có chính sách thông thoáng về thủ tục hành chính và ưu đãi về tiền thuê đất để thu hút doanh nghiệp đến Đồng Tháp đầu tư thêm khách sạn 3 - 4 sao và đầu tư vào các khu du lịch, di tích. Ngay tại TP Cao Lãnh, nên từng bước hình thành một trung tâm thông tin du lịch mà ở đó có các thông tin cần thiết và có nơi trưng bày, giới thiệu - bán các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống.
Còn với vùng Đồng Tháp Mười, nơi được xem là thủ phủ của sen hồng, cần quy hoạch các cánh đồng sen cỡ lớn, nguyên mẫu để tạo điểm nhấn, tạo hình ảnh đặc trưng hấp dẫn cho một “Đồng Tháp thuần khiết như sen hồng”.
Mặt khác, với TP hoa Sa Đéc, cần sớm thông qua quy hoạch TP hoa miền sông nước để kêu gọi đầu tư chợ hoa cùng các sản phẩm dịch vụ và mạnh dạn tổ chức các phiên chợ hoa vào dịp tết hàng năm hay festival hoa 3 - 4 năm một lần để tạo thương hiệu cho ngành du lịch Đồng Tháp và kích thích nghề trồng hoa phát triển.
VĂN PHONG