Du lịch Việt Nam đón nhiều, thu ít!

Những năm gần đây, nhiều thị trường khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức tăng trưởng rất cao, trên 50% - 70%/năm và nằm ở tốp đầu của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam. Thế nhưng, các doanh nghiệp lữ hành trong nước dường như đứng ngoài cuộc và thua ngay trên chính sân nhà.
Du lịch Việt Nam đón nhiều, thu ít!

Những năm gần đây, nhiều thị trường khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức tăng trưởng rất cao, trên 50% - 70%/năm và nằm ở tốp đầu của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam. Thế nhưng, các doanh nghiệp lữ hành trong nước dường như đứng ngoài cuộc và thua ngay trên chính sân nhà.

        Tour chui - không thể xử lý?

Ngành du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ đón 7,2 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 35 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 190.000 tỷ đồng. Đây là số liệu được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho biết tại cuộc họp của các bộ trưởng du lịch các nước hạ nguồn sông Mekong diễn ra tại TPHCM mới đây. Năm 2012, du lịch Việt Nam đón hơn 6,8 triệu lượt khách quốc tế, 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt 160.000 tỷ đồng.

Khách Nga rất thích du lịch đến các vùng biển Việt Nam.

Khách Nga rất thích du lịch đến các vùng biển Việt Nam.

Theo chia sẻ của một lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thực tế, chiếm phần lớn của doanh thu du lịch là từ khối dịch vụ khách sạn, nhà hàng, ăn uống. Tuy nhiên, có một thực tế là du lịch Việt Nam đang chịu thất thu vì tình trạng tour chui hoạt động kéo dài trong nhiều năm qua mà cơ quan chức năng vẫn chưa có cách để xử lý, hạn chế. Khách du lịch từ Hàn Quốc, Malaysia luôn nằm trong tốp đầu của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam với tăng trưởng cao. Tuy nhiên, đây cũng là những thị trường có hoạt động chui nhiều nhất tại Việt Nam. Phần lớn, do các công ty du lịch ở những nước này tự tổ chức, phục vụ từ A đến Z tại thị trường Việt Nam và hướng dẫn viên cũng là hướng dẫn “chui”! Theo chia sẻ của một cán bộ của Sở VH-TT-DL TPHCM, cách kiểm tra nhanh, dễ dàng nhất để xác định đoàn khách đó có phải đi tour “chui” hay không là kiểm tra thẻ hành nghề của hướng dẫn viên tại một điểm du lịch. Tuy nhiên, lực lượng kiểm tra của ngành quá mỏng, phải có cán bộ nói được ngôn ngữ của du khách. Thậm chí, khi đột ngột kiểm tra, người dẫn đoàn của những đoàn khách như thế này vẫn có cách để biện minh rất hợp tình hợp lý. Phần lớn những hướng dẫn viên chui, dẫn đoàn là những người nước ngoài cũng đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, họ có lý do chính đáng để nói rằng cả đoàn khách hơn chục người đang đi chung là người nhà, bạn bè của họ mới sang thăm. Hoạt động dưới hình thức này của các công ty du lịch Hàn Quốc đã diễn ra 10 năm nay và chuỗi hoạt động dịch vụ tại Việt Nam ngày một khép kín. Hiện có hơn 100.000 người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam, việc các công ty du lịch kiểu này đưa khách sang Việt Nam thông qua các dịch vụ do người Hàn Quốc kinh doanh tại Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Thậm chí, nếu có thông qua một vài công ty lữ hành tại Việt Nam thì những công ty này cũng khai số khách ít đi.

Du lịch Việt Nam cũng đang rất phấn khởi với tăng trưởng khá cao của thị trường khách Nga. Dự kiến, khách Nga đến Việt Nam sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn lượng khách Nga vào Việt Nam đều thông qua một công ty du lịch lớn có góp vốn của doanh nghiệp nước ngoài. Đơn vị này chiếm khoảng 2/3 tổng lượng khách Nga đến Việt Nam và cũng phục vụ theo chuỗi khép kín riêng của mình. Do vậy, có rất ít công ty lữ hành trong nước làm đối tác cho phía doanh nghiệp lữ hành Nga đưa khách vào Việt Nam. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, Nga sẽ là một thị trường mục tiêu mà ngành du lịch Việt Nam sẽ đẩy mạnh xúc tiến trong thời gian tới, để có thể thu hút nhiều hơn công ty lữ hành của Nga vào thị trường Việt Nam. Một trong những hạn chế để các công ty du lịch khai thác thị trường khách Nga là tần suất, chuyến bay từ Nga sang Việt Nam vẫn còn ít.

        Cách làm du lịch của Lào

Ông Đặng Công Trạng, hướng dẫn viên đặc trách thị trường Lào, Thái Lan của Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông tại Văn phòng Đà Nẵng, chia sẻ, bất cứ công ty du lịch nước ngoài nào muốn đưa khách vào Lào đều phải có giấy “đi đường”, với họ tên đầy đủ của số khách tham gia tour, quan trọng là kèm theo đó là phải có đầy đủ 3 con dấu đóng, xác nhận của Tổng cục Du lịch Lào, Cục Xuất nhập cảnh và công ty du lịch của Lào. Nếu thiếu 1 trong 3 con dấu này thì xem như đoàn khách này hoạt động bất hợp pháp trên đất nước Lào. Và tại các điểm du lịch, cảnh sát du lịch của Lào có thể kiểm tra bất cứ khi nào. Trên suốt hành trình tham quan tại Lào, luôn phải có một nhân viên hoặc hướng dẫn viên của công ty du lịch tại Lào, dù họ không tham gia thuyết trình.

Các công ty du lịch Việt Nam đánh giá, với cách làm này, Lào kiểm soát khá tốt lượng khách quốc tế đến đây. Và đây cũng là cơ sở cho công tác thống kê số liệu của ngành du lịch Lào. Có thể nói, số liệu thống kê của du lịch Lào là khá chính xác.

Tại Việt Nam, dù nền kinh tế có năng động hơn, thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, đối tượng khách đa dạng hơn và cũng sẽ phức tạp hơn trong cách quản lý. Tuy nhiên, sự bất lực của ngành du lịch Việt Nam kéo dài suốt thời gian qua trong việc kiểm soát hoạt động du lịch chui và công tác thống kê vẫn dừng lại ở phỏng đoán, rồi ước chừng thì du lịch sẽ khó mà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thật sự.

HÀ NHAI

Tin cùng chuyên mục