
Từ đầu tháng 3-2005 đến nay, Báo SGGP đã có nhiều tin bài thông tin những vụ lâm tặc ngang nhiên phá rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập và tấn công người thi hành công vụ trên địa bàn xã Quảng Trực (huyện Đắc R’lấp, tỉnh Đắc Nông). Nhiều chứng cứ cho thấy có sự tiếp tay của cán bộ địa phương trong việc bảo kê cho lâm tặc. Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc đã gửi thư đến báo đề nghị tiếp tục đeo bám việc này. Chúng tôi xin trích đăng 2 ý kiến sau:
- Cần nghiêm trị bọn lâm tặc chống người thi hành công vụ
Sau khi theo dõi loạt bài “Vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập” đăng trên Báo SGGP, chúng tôi xin nêu một số ý kiến sau:

Kiểm lâm phát hiện xe của lâm tặc chở gỗ Vườn quốc gia Bù Gia Mập đi tiêu thụ.
Qua diễn biến vụ việc, chúng tôi thấy bọn lâm tặc phạm tội có tổ chức và chống trả quyết liệt khi lực lượng thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm của chúng. Chiều 2-2, tổ tuần tra (10 người) gồm Kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập và Bộ đội Biên phòng Đồn 781, 779 tỉnh Bình Phước đã phát hiện, lập biên bản bắt giữ 5 đối tượng đang vận chuyển lâm sản trái phép. Lập tức tối cùng ngày, chúng đã huy động đồng bọn (30 tên) trong xã do Điểu Brôm cầm đầu chặn đánh tổ tuần tra.
Chưa hết, trưa 6-2, đoàn công tác của Vườn quốc gia Bù Gia Mập đến UBND xã Quảng Trực để làm rõ vụ việc thì bị hàng chục người xông ra vây đánh và đập phá xe, cướp vũ khí, máy ghi hình… ngay trong trụ sở UBND xã.
Từ ngày 7-2 đến 27-2, Công an xã Quảng Đức và Công an huyện Đắc R’lấp đã triệu tập 16 đối tượng có liên quan đến vụ tổ chức gây rối trật tự để lấy lời khai, củng cố hồ sơ. Đến 22 giờ 30 đêm 22-2, bọn lâm tặc này (thay vì bị tạm giữ, lại được thả) huy động tổng cộng 15 người đột nhập vào Trạm Cửa rừng thuộc Lâm trường Quảng Trực, khống chế 4 cán bộ kiểm lâm để cướp đi 1,5m3 gỗ. Điều khó hiểu là Trạm Quản lý bảo vệ rừng của Lâm trường Quảng Trực đã trả lại các tang vật như 2 chiếc máy cày chở số gỗ vi phạm, 5 xe máy và 9 khúc gỗ… cho các đối tượng lâm tặc - thay vì chuyển giao cho cơ quan điều tra lưu giữ để làm chứng cứ củng cố hồ sơ khởi tố bị can.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra sớm xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự của các đối tượng cầm đầu, chủ mưu với các tội danh: tổ chức khai thác lâm sản trái phép, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng.
NGUYỄN ĐỨC
(140 Bạch Đằng quận Bình Thạnh)
- Lời cảnh báo từ môi trường
Theo dõi Báo SGGP về tình hình lâm tặc hoành hành ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tôi nghĩ, số cán bộ địa phương, nhân viên kiểm lâm đã dung túng, tiếp tay cho lâm tặc chặt phá rừng sẽ bị trừng trị. Điều này đã được lãnh đạo UBND hai tỉnh Đắc Nông và Bình Phước cam kết làm rõ, có biện pháp xử lý thích đáng. Ai vi phạm, mức độ như thế nào sẽ có pháp luật trừng trị. Điều bức xúc của chúng tôi không dừng lại ở việc xử lý người vi phạm mà là vấn đề giải quyết hậu quả khi không còn rừng.
Đọc những bài đăng trên Báo SGGP, chúng tôi càng thấm thía, càng thấy tác hại mà bọn lâm tặc gây ra. Từ vùng Bình Thuận, Ninh Thuận vốn khô hạn, nay Bình Phước, Đắc Nông, Đắc Lắc... cũng đang bị khô cháy. Hậu quả nhãn tiền, rừng bị tàn phá nên độ che phủ thấp, dẫn đến tình trạng hầu hết các con sông, suối đều đã cạn khô. Nhiều nơi không còn nước cho người sinh hoạt chứ chưa nói đến nước dành cho chăn nuôi, trồng trọt.
Những cánh rừng điều, cà phê …khô cháy do không có nước tưới. Có thể nói, đây là năm mà hạn hán kéo dài, nhiều tháng liền không có mưa trên diện rộng, thế nhưng nếu độ che phủ của rừng còn cao, hạn hán sẽ không đến mức gay gắt như vậy. Hiện nay người dân đang lo chống hạn nhưng vẫn có một nguy cơ khác cần cảnh báo là khi mùa mưa đến khả năng xảy ra lũ quét rất cao, vì rừng không còn.
TRẦN VĂN
(Lê Đức Thọ, P15 - Gò Vấp)