(SGGPO).- Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 9-5 đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về những căng thẳng đang leo thang tại Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những ngày qua, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Trong lúc này, dư luận quốc tế tiếp tục ủng hộ Việt Nam.
Các Thượng nghị sỹ Mỹ ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Đông
Tiếp theo các tuyên bố riêng rẽ của Thượng nghị sỹ John McCain, và Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega, ngày 9-5 (giờ địa phương), một nhóm các Thượng nghị sỹ có thế lực của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ gồm: Chủ tịch Ủy ban Robert Menendez, Marco Rubio, Ben Cardin, Jim Risch, John McCain cùng với Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, Chủ tịch thường trực Thượng viện, đã ra tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc liên tục có những hành động gây căng thẳng ở Biển Đông.
Nhóm các nghị sỹ này cũng hối thúc các nghị sỹ khác thông qua nghị quyết của Thượng viện Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với tự do giao thông hàng hải trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải bằng con đường ngoại giao hòa bình.
Nhận định về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, ông Taylor Fravel, Giáo sư Chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, nhận định đây là hành động phục vụ ý đồ chính trị của Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn nhật báo “New York Times” ngày 9-5, Giáo sư Fravel khẳng định vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tính từ đường cơ sở. Giàn khoan cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý, và vì thế nằm trên thềm lục địa của Việt Nam và nằm hoàn toàn trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Về tác động khu vực trước hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, Giáo sư Taylor cho rằng hành động của Trung Quốc củng cố vững chắc hơn nhận thức của các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông rằng Bắc Kinh luôn có tham vọng mở rộng lãnh thổ và thích hành động đơn phương. Ông nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc trong những năm qua như mời các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư khai thác tại các lô ngoài khơi bờ biển Việt Nam cho thấy rằng Trung Quốc có thiên hướng muốn bành trướng.
Học giả Anh: Hành động của Trung Quốc là thách thức nghiêm trọng đối với khu vực
Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), ông Edward Schwarck đã khẳng định như vậy trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho phóng viên TTXVN tại London liên quan đến vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông. Mặc dù cho rằng còn tương đối sớm khi đề cập đến những ý đồ lâu dài của Trung Quốc ở Biển Đông nếu xem xét bối cảnh họ hạ đặt giàn khoan dầu mới này. Song, đề cập đến bối cảnh 40 năm trước, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng quân sự để xâm lược và chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gần đây lại theo đuổi cái gọi là “tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn” ở Biển Đông với nhiều hành động đe dọa đến an ninh hàng hải của khu vực, theo ông Schwarch, hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép tại EEZ và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông có thể là một phần của chiến lược Bắc Kinh đang triển khai nhằm thực hiện những bước đi có lợi, từ đó thúc đẩy việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Hành động kiểu này của Trung Quốc tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam và các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay với các nước khu vực là phải tìm ra biện pháp thích hợp để thể hiện phản ứng của mình. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc nhằm cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang mà có thể là thảm họa đối với tất cả các bên liên quan.
Đánh giá về những tác động đối với môi trường an ninh khu vực mà vụ việc HD-981 gây ra cũng như phản ứng của thế giới nhằm ngăn chặn những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Schwarck nhận định xét dưới nhiều góc độ khác nhau thì những tuyên bố hoặc quyết định triển khai hoạt động thăm dò dầu lửa ở Biển Đông đều đi ngược lại với chính sách cho đến thời điểm này của Chính phủ Trung Quốc. Đó là một mâu thuẫn.
Hạnh Xuân
>> Dư luận quốc tế: Trung Quốc đe dọa hòa bình, an ninh ở biển Đông
- Việt Nam kiên quyết đấu tranh với mọi hành động xâm phạm chủ quyền
- Hải quân Việt Nam luôn sẵn sàng và đủ sức bảo vệ Tổ quốc
- Học giả Trung Quốc phản đối đưa giàn khoan vào biển Đông