Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi “mở cửa” cho việc thành lập doanh nghiệp mới một cách tự do và không có bất cứ sự kiểm soát nào liên quan đến năng lực hoạt động của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực có điều kiện sẽ phát sinh những hạn chế nhất định. Do đó, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi nên tiếp tục kiểm soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện ngay tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp. Đó là ý kiến của Luật sư Nguyễn Kiều Hưng-Trưởng Văn phòng Hãng Luật Giải Phóng.
Gia tăng doanh nghiệp hoạt động chui
Điều 7 Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho phép doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh các ngành, nghề mà luật, pháp lệnh và nghị định không cấm, thay vì chỉ được kinh doanh những ngành nghề đã đăng ký theo Luật Doanh nghiệp hiện hành. Đồng thời, tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, các “giấy phép con” đi kèm đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được bãi bỏ. Đó là một trong những nét mới nổi bật nhất của Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này. Hầu hết, các chuyên gia pháp luật, kinh tế và giới kinh doanh đều ủng hộ điểm cải tiến nổi bật này. Tuy nhiên, việc “mở cửa” việc thành lập doanh nghiệp mới một cách tự do và không có bất cứ sự kiểm soát nào liên quan đến năng lực hoạt động của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực có điều kiện sẽ phát sinh những hạn chế nhất định.
Trên thực tế, dù Luật Doanh nghiệp hiện hành đã kiểm soát thủ tục đăng ký kinh doanh những ngành nghề có điều kiện ngay tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp không đủ điều kiện vẫn cứ “lách luật” hoặc hoạt động chui với nhiều hình thức khác nhau. Nay, bãi bỏ thủ tục kiểm soát này, như một cơ hội, các doanh nghiệp hoạt động chui trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tăng lên. Ví dụ, đối với các ngành nghề yêu cầu có vốn pháp định, các doanh nghiệp chỉ cần xin một giấy xác nhận của ngân hàng là đã nộp số tiền theo quy định tài khoản ký quỹ, nhưng thực chất doanh nghiệp không ký quỹ số tiền này. Đối với ngành nghề yêu cầu có chứng chỉ hành nghề, tình trạng mượn, thuê chứng chỉ hành nghề hiện rất phổ biến, nên doanh nghiệp dễ dàng thỏa mãn điều kiện này. Kiểm soát ngay từ khâu đăng ký mà doanh nghiệp vẫn tìm cách “lách luật” để thành lập và hoạt động. Nay, chỉ hậu kiểm thủ tục này thì chắc chắn số lượng doanh nghiệp hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện được thành lập sẽ tăng lên. Sau đó họ sẽ tìm cách đáp ứng các điều kiện của ngành nghề đó hay đối phó với công tác hậu kiểm. Không đáp ứng, đối phó được họ sẽ chuyển qua hoạt động chui. Hiện nay, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ lao động có số lượng hoạt động chui lớn nhất.
Khó kiểm soát hành vi vi phạm
Cái gì dễ thì làm trước, chuyện khó sẽ “lo” sau, đó là tâm lý chung của giới kinh doanh khi đối phó với thủ tục hành chính. Khi thủ tục thành lập doanh nghiệp đơn giản và thuận tiện, một số lượng khổng lồ doanh nghiệp mới sẽ ra đời. Trong đó, có không ít những doanh nghiệp hoạt động những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, họ phải đáp ứng những “giấy phép con” trước khi đi vào hoạt động. Và cũng không ít những doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu này với nhiều lý do khác nhau, nên không thể đi vào hoạt động và buộc họ phải tiến hành trở lại thủ tục giải thể doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp tồn tại trên giấy. Chưa kể số doanh nghiệp bị “chết” do gặp phải những yêu cầu khác không nằm trong danh mục ngành nghề có điều kiện.
Như đã phân tích ở trên, với một số lượng khổng lồ doanh nghiệp mới được thành lập, nhà nước cũng sẽ cần một lực lượng khổng lồ để hậu kiểm và xử lý doanh nghiệp “chết” tương ứng. Tuy nhiên, trong điều kiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tinh giảm biên chế đang được chú trọng triển khai, việc tăng cường thêm lực lượng là không cho phép. Mặt khác, dù có tăng cường lực lượng để hậu kiểm, cũng không thể kiểm soát và xử lý triệt để các hành vi vi phạm của doanh nghiệp, thực tế đã minh chứng điều đó. Tóm lại, cải tiến thủ tục là hoan nghênh, nhưng thực tế chúng ta cần những doanh nghiệp chất lượng hơn là số lượng. Hãy thử thống kê xem, hiện có bao nhiêu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bao nhiêu doanh nghiệp giải thể hay “chết lâm sàng” và bao nhiêu doanh nghiệp “trên giấy” hay bỏ trốn? Thiết nghĩ, tỷ lệ này sẽ khiến các nhà quản lý phải giật mình. Theo thống kê của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013 có 60.737 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, chiếm 13% trên tổng số khoảng 460.000 doanh nghiệp đang hoạt động; chưa kể những doanh nghiệp “trên giấy” hay bỏ trốn hoặc hoạt động không hiệu quả, chắc chắn con số này không hề nhỏ.
Vì vậy, không nên bãi bỏ thủ tục kiểm soát các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại thời điểm thành lập doanh nghiệp. Nhất thiết phải ban hành một danh mục cụ thể, chi tiết và đồng bộ trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, doanh nghiệp tham khảo để đáp ứng, sau khi doanh nghiệp được thành lập, không yêu cầu thêm bất cứ một điều kiện nào khác đối với ngành nghề mà doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, chúng ta sẽ hạn chế được số lượng doanh nghiệp hoạt động chui hay các doanh nghiệp “chết” và đặc biệt giảm bớt gánh nặng cho công tác hậu kiểm.
LẠC PHONG ghi