Mặc dù đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nhưng đến nay dự thảo Luật Dược (sửa đổi) tiếp tục lấy ý kiến do còn một số vấn đề chưa thống nhất. Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến nội dung dự thảo Luật Dược (sửa đổi) với sự tham dự của đại diện các công ty dược, lãnh đạo các bệnh viện (BV), phòng quản lý y tế các quận - huyện và hội đông y trên địa bàn TPHCM.
Sản xuất thuốc tại nhà máy của một doanh nghiệp dược ở TPHCM
Bỏ ngỏ nhà máy thuốc nhập khẩu
Nhìn lại sau 10 năm có hiệu lực của Luật Dược 2005, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, luật này đã đóng góp rất lớn trong việc chăm lo sức khỏe nhân dân, đáp ứng phần nào thuốc an toàn, giá cả phù hợp. Tuy nhiên, qua chừng ấy năm, cùng với sự phát triển và hội nhập, nhu cầu ngày càng cao đòi hỏi ngành dược có những thay đổi. “Hiện cả nước có hơn 100 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn, nhưng chưa đáp ứng được hết, nước ta vẫn nhập khẩu thuốc với giá trị lớn”, ông Lập băn khoăn. Với việc nhập khẩu lên tới 90% nguyên liệu làm thuốc, nhiều ý kiến lo ngại khó đảm bảo kiểm soát được hết chất lượng đầu vào. Trong khi, nguyên liệu chính cho sản xuất thuốc vẫn nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc.
“Dược liệu thì nguồn gốc không rõ ràng, nhiều tạp chất. Nhiều loại nguyên liệu đã cận hạn, hết hạn sau đó đưa vào sản xuất thuốc cho ra thành phẩm lại in hạn mới thêm 2-3 năm nữa. Điều này chưa thấy luật sửa đổi nói rõ và trách nhiệm ra sao”, đại diện Hội Đông y quận 12 phát biểu. Cùng quan điểm, ông Hà Thanh Hùng, Phó Viện trưởng Viện Y học dân tộc TPHCM nêu ý kiến rằng, nguyên liệu cho các bài thuốc y học cổ truyền ngày càng hiếm, ngay cả sâm cũng chủ yếu dùng sâm Trung Quốc, hiếm hoi lắm mới có sâm Triều Tiên. Do đó, với nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, từ trôi nổi thì chất lượng cho ra thành phẩm thuốc chưa hẳn đã chất lượng.
Trong khi đó, trên vai trò đại diện cho một cơ quan kiểm tra - kiểm nghiệm, bà Ngô Hoa Lư, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm cho rằng, dự thảo Luật Dược (sửa đổi) chưa nói rõ trách nhiệm và quyền của cơ quan kiểm nghiệm thuốc. “Nếu chỉ kiểm tra - kiểm nghiệm trên sản phẩm thành phẩm thuốc thì chưa nói hết được thuốc có chất lượng hay không, mà phải kiểm tra đánh giá cả cơ sở, nhà máy sản xuất”. Chính vì vậy, theo bà Ngô Hoa Lư, để đảm bảo đánh giá chất lượng thuốc sản xuất trong nước cần có tiền kiểm cả điều kiện cơ sở, nhà máy sản xuất chứ không phải theo kiểu hậu kiểm như hiện nay.
Trong khi đó, đối với thuốc nhập khẩu, việc kiểm tra nhà máy sản xuất của thuốc nhập khẩu vào nước ta đang bị bỏ ngỏ. “Một số nhà máy dược của ta khi xuất sang các nước khác thì họ qua kiểm tra tận nơi rất cặn kẽ và chi phí này do phía doanh nghiệp có nhà máy của ta chịu. Còn thuốc của họ nhập vào rất nhiều thì chưa ai kiểm tra nhà máy họ cả”, ông Huỳnh Thành Lập thắc mắc. Chính vì vậy mà theo bác sĩ Tô Tài, Giám đốc BV Quận 12, thời gian qua cơ quan quản lý dược nước ta đã thu hồi liên tục các loại thuốc nhập khẩu kém chất lượng, nhất là từ Ấn Độ. Tuy nhiên, khi có thông báo thu hồi thì thuốc đã bán gần hết, dân đã uống hết rồi. “Trách nhiệm này ai chịu thì chưa thấy dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đề cập”, bác sĩ Tài nêu ý kiến.
Khó chặn “liên minh” thổi giá
Nhiều ý kiến cho rằng, các năm qua triển khai Luật Dược 2005 và các văn bản dưới luật đã kiểm soát giá thuốc khá hiệu quả, trong đó việc kê khai giá có vai trò rất lớn. Tuy nhiên, trên bình diện chung, theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, vẫn chưa quản lý hết được giá thuốc, nhất là đối với thuốc nhập khẩu, thuốc biệt dược, phân phối độc quyền. “Về quy định là không cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài phân phối thuốc tại Việt Nam, nhưng thực tế là khi thuốc nhập vào nước ta đã lòng vòng qua mấy khúc, thổi lên mấy giá”, PGS-TS Phong Lan phân vân vì dự thảo Luật Dược (sửa đổi) chưa đề cập rõ quản lý giá thuốc. TS Huỳnh Hiền Trung, Trưởng khoa Dược BV Nhân dân 115, cũng đặt vấn đề là một doanh nghiệp kê khai giá thuốc nhưng 3-4 công ty phân phối giá khác nhau, thậm chí đội giá, sai giá mà dự thảo Luật Dược (sửa đổi) chưa nói rõ. Theo TS Trung, tình trạng thuốc quý hiếm, thuốc đặc trị thường bị độc quyền và nâng giá vô tội vạ.
Trước những vấn đề chưa thấu đáo mà dự thảo Luật Dược (sửa đổi) nêu ra, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Luật Dược (sửa đổi) cần nhắm tới lợi ích của người dân, của người hành nghề. “Cái người dân cần của Luật Dược là thuốc tốt, an toàn và giá cả phù hợp. Người hành nghề cần Luật Dược quy định rõ vai trò, trách nhiệm nhưng thuận lợi cho họ”, bà Thu phân tích. Theo bà Thu, Luật Dược (sửa đổi) cần tạo hành lang cho công nghiệp dược phát triển, nhưng cũng quan tâm đến y học cổ truyền với phương châm “Nam dược trị Nam nhân”. Bà cũng nhấn mạnh vấn đề nhạy cảm nhất trong quản lý thuốc là giá. “Nên chăng cần có một quy định riêng về giá thuốc chứ Luật Dược vẫn chịu chi phối bởi Luật Giá, Luật Đấu thầu… thì rối rắm”, bà Thu kiến nghị.
Nhập khẩu tân dược vẫn tăng Theo Bộ Y tế, tính đến 31-12-2014, cả nước đã có hơn 40.000 cơ sở bán lẻ thuốc, 121 nhà máy sản xuất thuốc tân dược, 61 doanh nghiệp sản xuất thuốc dược liệu, 2.000 doanh nghiệp phân phối thuốc. Tuy nhiên, hiện có 150 doanh nghiệp nhập khẩu thuốc với giá trị lớn. Số liệu từ cơ quan quản lý thị trường cho thấy, chỉ riêng trong tháng 9-2015, kim ngạch tân dược nhập khẩu của nước ta ước đạt 1,656 tỷ USD, tăng 11,59% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung tháng 9-2015, giá nhập khẩu tân dược tăng 8,92% so với cùng kỳ năm 2014. Những thị trường cung cấp dược phẩm chính trong tháng 9-2015 cho các doanh nghiệp trong nước là Pháp (chiếm 20,66%), Đức (11,1%) và Ấn Độ (7,6%). |
TƯỜNG LÂM