Tỉnh Bình Định có diện tích dừa lớn thứ hai cả nước, sau tỉnh Bến Tre (36.800ha), tập trung chủ yếu ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ… Tuy nhiên, diện tích chuyên canh cây dừa tại địa phương này ngày càng thu hẹp, hiện chỉ còn 10.520ha, giảm 924ha so với năm 2005.
Trong khi đó, các cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa tại Bình Định có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu làm thủ công với các sản phẩm chính: bánh tráng nước dừa, chỉ xơ dừa, dầu dừa, thảm xơ dừa… Giá trị sản phẩm từ dừa qua chế biến chỉ khoảng 24,2 triệu USD, con số rất thấp so với giá trị từ dừa của tỉnh Bến Tre trong năm 2009 là 100 triệu USD.
Kết quả nghiên cứu của nhóm thực hiện Dự án sinh kế nông thôn bền vững tỉnh Bình Định cho thấy, số lượng quả/cây dừa ở hai huyện Phù Mỹ và Hoài Nhơn (dừa ở Phù Mỹ cho 44 quả/cây; Hoài Nhơn 48 quả/cây) rất ít so với các địa phương khác. TS Võ Văn Long,
Tư vấn quốc gia ngành dừa thuộc Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu (Bộ Công thương), cho rằng: “Hiện đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều giống dừa cho năng suất và hàm lượng dầu cao như dừa ta 60-80 quả/cây/năm, dừa dâu 80-100 quả/cây/năm, dừa xiêm 100-150 quả/cây/năm… Tỉnh Bình Định có thể nhập các giống dừa này về thay thế diện tích dừa đã già cỗi, thoái hóa để tăng năng suất, chất lượng quả dừa. Phần lớn các sản phẩm chế biến từ dừa đều được xuất khẩu thu ngoại tệ cho nên làng nghề chế biến trái dừa phải là đối tượng và mục tiêu trong chính sách kích cầu của Nhà nước, bao gồm cả việc cung cấp hoặc trợ giá giống dừa tốt, phân bón, công nghệ chế biến trái dừa, mở rộng vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ…”.
Tại Hội thảo phát triển ngành dừa vừa diễn ra trong tháng 10-2010, ông Vinay Chand - Chuyên gia tư vấn quốc tế ngành dừa - đề xuất 3 phương án phát triển ngành dừa tại Bình Định. Trước hết phải đầu tư dài hạn, trong đó chú trọng đầu tư sản xuất sữa dừa, thảm dừa, than gáo và các sản phẩm có giá trị gia tăng với tổng vốn thực hiện khoảng 20 triệu USD. Kế đến đầu tư trung hạn bằng công nghiệp chỉ xơ dừa, sản xuất lưới sinh thái, sợi xoắn và sợi lattex (cao su hóa) vốn đầu tư khoảng 4 triệu USD. Sau cùng là đầu tư ngắn hạn với việc xây dựng mô hình hỗ trợ kỹ thuật về xe sợi, thảm lót chân; thí điểm chế biến dầu dừa tinh khiết, thực phẩm; hỗ trợ thị trường, công nghệ… với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng.
Ông Vinay Chand cho biết: “Thay vì bán dừa tươi, Bình Định có thể chế biến chúng thành nhiều loại sản phẩm. Nếu thực hiện được phương án này, Bình Định sẽ có thêm 1.000 việc làm và giá trị sản phẩm dừa qua chế biến có thể tăng thêm từ 24,8 triệu USD tới 49 triệu USD”.
HOÀNG TRỌNG