Đưa nguồn vốn đến đúng chỗ

Lâu nay, khái niệm “biến đổi khí hậu” (môi trường sống của trái đất bị biến động xấu) có vẻ nghe đã quen tai, không còn cảm giác “đáng sợ” đối với nhiều người nữa. Nhưng các trận “đại hồng thủy” chưa từng gặp tại Trung Quốc và Nhật Bản thời gian gần đây hay các trận mưa - lũ lụt lớn, hạn hán khốc liệt, băng giá kỷ lục, cháy rừng đại ngàn, động đất xảy ra liên miên ở châu Á, châu Mỹ, châu Úc… những năm vừa qua khiến nhiều nước phải nhìn nhận lại các biện pháp ứng phó với thiên tai đang triển khai.

Tại Việt Nam, nhiều năm nay, các tổ chức trong và ngoài nước đều ghi nhận đời sống vật chất của người dân Việt Nam đã cải thiện hẳn so với trước, tiêu chuẩn hộ nghèo cũng được nâng lên cao hơn, không còn hộ nào bị đói. Đó là điều đáng mừng! Thế nhưng, lâu nay các chuyên gia xã hội vẫn liên tục cảnh báo, chỉ cần một trận lũ lụt lớn xảy ra mà không có giải pháp ứng phó tốt nhiều gia đình sẽ “trắng tay”, “hoàn nghèo” trong chớp mắt. Hơn cả mất của cải, vật chất là sinh mạng của nhiều người dân bị cướp đi khi thiên tai bất ngờ ập đến.

Vừa qua, cả Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT trong tổng kết về công tác 6 tháng đầu năm của ngành đều đề cập tới tình hình thiên tai năm 2020 diễn biến dị thường trên phạm vi cả nước. Ngoài dịch Covid-19 đe dọa sức khỏe con người và cả sức khỏe của nền kinh tế thì tại miền Bắc và miền Trung người dân còn đang phải hứng chịu nắng nóng, hạn hán, cháy rừng cũng như tại miền Nam bị hạn hán, xâm nhập mặn chưa từng gặp.

Thời gian gần đây động đất cũng xuất hiện với tần suất đều đặn hơn ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy chưa có cường độ lớn nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo, không được coi thường vì có thể sẽ xuất hiện những trận động đất tới cấp 8-9. Có thể Nam bộ không bị ngập bởi nước biển dâng như “tin đồn” nhưng chắc chắn tình trạng hạn hán kèm xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, mất nguồn nước từ sông Mê Công sẽ còn tái diễn và ngày càng căng thẳng.

Hơn cả đói nghèo, hiện nay thiên tai, dịch bệnh là những thứ đáng sợ nhất, không chỉ đe dọa trực tiếp sức khỏe, sinh mạng con người mà còn đánh tụt cả những nền kinh tế mạnh, phá vỡ hoàn toàn chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ cần một trận lũ lớn xảy ra như ở Trung Quốc nhiều người dân có thể lâm cảnh “màn trời chiếu đất”, bị đói vì thiếu lương thực, giá cả leo thang.

Theo dự báo, tình hình thiên tai có thể sẽ càng dữ dội, khốc liệt hơn và không tránh được. Do đất nước còn nghèo, kinh tế còn gặp khó khăn nên lâu nay chúng ta xác định giải pháp “sống chung với lũ” (thiên tai). Chúng ta chưa thể xây được những con đập lớn để ngăn nước cho sông Hồng ở Bắc bộ, trữ nước ngọt cho hệ thống sông Cửu Long ở Nam bộ; chưa thể làm được những con đê lớn ngăn nước biển dâng như ở Hà Lan…

Nhưng trong tầm tay, chúng ta có thể xây dựng thêm được nhiều hồ tích trữ nước ngọt cho Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Trung bộ và miền núi Bắc bộ như đã và đang làm tại ĐBSCL đang mang lại hiệu quả rất rõ. Cần gạch bỏ những dự án mang tính cào bằng, xin - cho, đầu tư dàn trải, địa phương nào cũng muốn có… để tập trung vốn cho những dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội lớn.

Song song đó là vận dụng những cách làm sáng tạo, bỏ hẳn cách thức tuyên truyền định kỳ, hình thức. Đặc biệt, với Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều đã có đủ, các đơn vị liên quan cần phải rà soát, xử lý các công trình, dự án vi phạm, thi nhau rút ruột tài nguyên, phá rừng; cùng đó là xử nghiêm, răn đe những đối tượng có liên quan đến dự án kém chất lượng để từ đó nguồn lực đầu tư cho phòng, chống thiên tai thực sự đến được đúng địa chỉ và mang lại hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục