Đua nhau xuất khẩu rác

Dân số thế giới ngày càng đông đúc và tiêu dùng ngày càng cao, vì vậy chất thải đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Hàng năm, thế giới thải ra hơn 4 tỷ tấn chất thải (gồm chất thải ở thành thị, công nghiệp và độc hại). Vấn đề giải quyết rác thải đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Chi phí xử lý chất thải độc hại và chất thải rắn, hay tái chế rất tốn kém, nên đa số các doanh nghiệp chọn giải pháp xuất khẩu sang các nước đang phát triển.

Tình trạng giao dịch bất hợp pháp chất thải đã tăng bội phần trong những năm gần đây. Thị trường giao dịch chất thải hiện nay thật bất ngờ khi lên tới con số 443 tỷ USD/năm, con số này ngày càng tăng vì khối lượng xuất khẩu và giá cả gia tăng. Điểm đến hàng đầu của chất thải là Trung Quốc. Theo số liệu của báo Guardian, trong năm 2010, nước này nhập khẩu khoảng 7,4 triệu tấn nhựa phế thải, 28 triệu tấn giấy thải và 5,8 triệu tấn sắt phế liệu. Từ năm 2000 đến 2008, châu Âu xuất khẩu chất thải nhựa tăng 250%, khoảng 87% trong số này xuất khẩu sang Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Công).

Xuất khẩu rác của châu Âu gia tăng vì luật nghiêm ngặt của EU buộc chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tái chế chất thải nhiều hơn, tăng chi phí chôn lấp. Vì thế, đưa chất thải ra nước ngoài sẽ là cách đơn giản nhất để giảm chi phí. Cũng theo Guardian, hơn 1/3 giấy và nhựa thải ở Anh đã được đưa đến Trung Quốc.

Theo bản báo cáo của Ban thư ký Hiệp ước thư Basel (chống vận chuyển chất thải độc hại giữa các quốc gia, đặc biệt là từ các nước phát triển vào các nước ít phát triển), trong năm 2003, Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ và Đức là những nước xuất khẩu chất thải nhiều nhất châu Âu. Những nước nhập khẩu nhiều nhất châu Âu là Italia, Pháp và thật trớ trêu là cả Đức.

Mặc dù luật pháp cấm vận chuyển chất thải nguy hại từ EU vào các nước ngoài Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ước tính, mỗi năm có khoảng 250.000 tấn các sản phẩm điện tử đã qua sử dụng vẫn chảy như lũ về khu vực Tây Phi và châu Á - điểm nóng là Ghana, Nigeria, Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc dưới vỏ bọc “hàng đã qua sử dụng” hoặc “đóng góp từ thiện”, cho phép các thương nhân lách luật. Ở những nước bị nhập khẩu loại chất thải này, những công nhân, thường là trẻ em, là người tiếp xúc trực tiếp với chúng mà không có dụng cụ bảo vệ nào. Hơn 15 triệu người kiếm tiền từ chất thải này và gần như tất cả trong số họ đều ở các nước đang phát triển.

Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc và Sáng kiến hải quan xanh ước tính nhóm tội phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lậu chất thải kiếm được từ 20 - 30 tỷ USD/năm. Một cuộc kiểm tra tại 18 cảng biển châu Âu trong năm 2005 cho thấy có khoảng 47% chất thải xuất khẩu là bất hợp pháp. Theo một báo cáo của Hiệp hội Chất thải rắn quốc tế, giao dịch nhựa tái chế trên toàn cầu ước tính đạt 12 triệu tấn/năm, trị giá 5 tỷ USD.

Chất thải dù là ở tiêu chuẩn nào đi nữa cũng ít nhiều ẩn chứa các mầm bệnh hoặc những chất ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người. Vì vậy, những nhà xuất nhập khẩu chất thải vì món lợi trước mắt đã mang đến nguy cơ bệnh tật và hủy hoại môi trường sống của các nước đang phát triển.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục