Đưa nông sản miền Nam ra Bắc

Hiện nay, người tiêu dùng các tỉnh phía Bắc có xu hướng rất chuộng nông sản của các tỉnh phía Nam, đặc biệt là những sản phẩm đặc sản, có thương hiệu.
Chăm sóc thanh long, một trong những loại trái cây được người tiêu dùng các tỉnh phía Bắc ưa chuộng
Chăm sóc thanh long, một trong những loại trái cây được người tiêu dùng các tỉnh phía Bắc ưa chuộng

Nhu cầu cao

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), hiện sản phẩm nông nghiệp Hà Nội không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường miền Bắc, khả năng tự cung ứng với mặt hàng trái cây chỉ đáp ứng 35% nhu cầu tiêu dùng, sản lượng gạo đáp ứng khoảng 35% nhu cầu, thịt bò 15%, thủy sản 5%, thực phẩm chế biến 20%... Dù Hà Nội có hơn 10.000ha diện tích trồng rau, nhưng chỉ đáp ứng được 66% nhu cầu, còn lại phải khai thác từ các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…

Ngoài gạo, thủy sản, thị trường Hà Nội đã và đang tiêu thụ lượng lớn nông sản các tỉnh Nam bộ như cam xoàn, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, quýt hồng Lai Vung, chôm chôm Tích Khánh... Tuy nhiên, việc khai thác, tiêu thụ nông sản Nam bộ tại thị trường Hà Nội hiện nay qua các kênh siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối chưa nhiều; trong khi kênh thương lái vẫn chiếm tỷ trọng lớn nên chưa quảng bá tốt được thương hiệu, sản phẩm vùng miền Nam bộ.

Về nhu cầu tiêu thụ của thị trường 10 triệu dân, theo Sở NN-PTNT Hà Nội, trong 1 tháng, nhu cầu tiêu thụ trung bình trên 300.000 tấn lương thực, thực phẩm gồm 92.970 tấn gạo; 18.594 tấn thịt heo hơi; 6.198 tấn thịt gà, vịt; 5.165 tấn thủy, hải sản tươi đông lạnh; 5.165 tấn thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm; 103.300 tấn rau, củ; 124 triệu quả trứng gia cầm. Đến nay, thành phố Hà Nội mới xây dựng được 135 chuỗi liên kết thực phẩm an toàn, từ sản xuất đến tiêu thụ, chiếm khoảng 20% lượng hàng hóa tiêu thụ trên thị trường. Hiện Hà Nội có 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ, trên 1.000 cửa hàng tiện ích, 798 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn được cấp biển nhận diện... là các kênh tiêu thụ sản phẩm rất tốt. Bên cạnh đó, trái cây các tỉnh Nam bộ thu gom qua thương lái đưa về các chợ đầu mối nông sản của Hà Nội với sản lượng trên 1.000 tấn/ngày.

Theo Cục Trồng trọt, cây ăn quả miền Nam có diện tích 596.300ha, bằng 60% diện tích cả nước. Nhờ áp dụng nhiều tiến bộ khoa kỹ mới, thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn quả từ canh tác, rải vụ, thu hoạch, cho đến nâng cao chất lượng giống đã thành công trên cây thanh long, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, xoài… Nhưng nhìn chung, tổng diện tích đạt chứng nhận VietGAP hiện còn rất thấp, mới gần 2% tổng diện tích cây ăn quả cả nước. Để nâng cao giá trị sản phẩm, Cục Trồng trọt đang xây dựng, cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho bưởi Tân Triều, bưởi Năm Roi Bình Minh, bưởi da xanh Bến Tre, thanh long Bình Thuận, xoài cát Hòa Lộc, hồng không hạt Bảo Lâm, nho Ninh Thuận, vú sữa Lò Rèn, chôm chôm Long Khánh…

Từ vận chuyển đến liên kết còn yếu

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, thì theo Cục Trồng trọt, hạn chế lớn nhất hiện nay là khâu tổ chức sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, nên khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt mô hình hợp tác xã (HTX) hoạt động thiếu hiệu quả, nên nông dân chưa thấy hiệu quả khi tham gia liên kết. Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung chưa được quan tâm đầu tư, chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của sản xuất, như hệ thống giao thông nội vùng, phương tiện vận chuyển chuyên dùng, kho bảo quản. Hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp, thiếu vắng các doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất (chủ yếu qua khâu trung gian) nên giá thành còn cao. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao do công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch chậm được đầu tư cải thiện. Hệ thống thông tin thị trường hạn chế, chưa nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về cung cầu.

Cần có định hướng phát triển chung là mỗi tỉnh thành chọn một số chủng loại cây ăn trái chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Các HTX kiểu mới với vai trò liên kết sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kết nối các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm. Theo Cục Trồng trọt, tập trung xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng nhằm giảm dần việc tiêu thụ sản phẩm thông qua thương lái, từ 80% - 90% hiện nay, xuống còn 65% - 70% vào năm 2020, năm 2025 còn 45% - 50%. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu quả đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, đông lạnh…

Nhờ nhiều địa phương tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại như phiên chợ nông sản, thực phẩm an toàn, tổ chức tuần lễ quảng bá được đánh giá cao, đem lại hiệu quả kết nối rất tốt. Tuy nhiên, công tác kết nối, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh thành phía Nam và phía Bắc hiện gặp không ít khó khăn trong khâu quản lý và xây dựng các chuỗi liên kết bền vững. Các dịch vụ logistics nội địa chưa phát triển, dẫn tới khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa, nên tỷ lệ hao hụt sản phẩm cao, chất lượng giảm.

Các doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào hệ thống các kênh thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, tìm kiếm các khách hàng tiềm năng, tiếp nhận các đơn hàng và ý kiến đóng góp của khách hàng. Cuối cùng, doanh nghiệp phải xác định cụ thể khối lượng nông sản kết nối trong từng giai đoạn để nhà cung ứng có kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường.

Tin cùng chuyên mục