Cân não chọn nguyện vọng
Sau kỳ nghỉ tết, Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), dành nhiều thời gian tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường THPT trên địa bàn quận 1, 3. “Em đã xác định 3 trường THPT theo thứ tự nguyện vọng xét tuyển ưu tiên nhưng vẫn lo lắng, vì hiện nay các trường chưa công bố chỉ tiêu tuyển sinh, 2/3 trường em chọn chưa có thông tin về nhóm môn học tự chọn”, nữ sinh này cho biết.
Cũng với tâm trạng lo lắng, Bùi Việt Quân, học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), bày tỏ, đầu tháng 3 vừa qua, em đăng ký tham gia hoạt động trải nghiệm với các tiết học thử tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3). Việc được tham quan, tìm hiểu môi trường học tập ở cấp THPT giúp em có thêm cơ sở lựa chọn nguyện vọng phù hợp, song cảm thấy “tăng đôi áp lực” vì vừa phải chọn trường, vừa xác định nhóm môn học tự chọn ở lớp 10.
Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho hay, trong bối cảnh các trường THPT đang triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, người học cần thay đổi định hướng đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10. Nếu như trước đây, phụ huynh, học sinh chọn trường THPT phù hợp năng lực học tập để tăng cơ hội trúng tuyển thì nay phải tìm hiểu kỹ các nhóm môn học tự chọn ở từng trường bởi cách triển khai không giống nhau, phụ thuộc vào điều kiện thực tế và thế mạnh đào tạo của các trường.
Thầy Trần Minh Thành, Phó hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (quận 1), lý giải, khái niệm tổ hợp môn học khá mới mẻ đối với học sinh lớp 9 do ở cấp THCS, các em học số lượng môn học như nhau, chưa đặt ra yêu cầu lựa chọn môn học. Khi chuyển qua cấp THPT, học sinh phải xác định lộ trình học tập phù hợp mục tiêu nghề nghiệp của bản thân. Do đó, việc được tư vấn, giải đáp thắc mắc về các tổ hợp môn học sẽ giúp các em có thêm cơ sở đăng ký nguyện vọng phù hợp.
Dồn sức ôn tập 3 môn thi
Cô Phạm Thị Thanh Thúy, Nhóm trưởng nhóm Toán 9, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình), cho biết, thời điểm hiện tại, học sinh vừa hoàn thành chương trình học kỳ 2 môn Toán vừa kết hợp ôn tập kiến thức, làm quen các dạng toán thực tế để không bỡ ngỡ với đề thi tuyển sinh. Để đạt kết quả tốt ở kỳ thi tuyển sinh, các em phải nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, luyện tập nhiều dạng đề khác nhau.
Khi vào phòng thi, học sinh cần làm ngay bài 1, 2 để có 2,5 điểm, sau đó đọc lướt các bài toán thực tế từ bài 3 đến 7 để chọn bài làm theo thứ tự từ dễ đến khó. Nếu câu hỏi nào đọc đề 3 lần chưa tìm ra hướng giải quyết thì nên tạm thời bỏ qua, tiếp tục làm bài khác. Học sinh cần lưu ý đọc kỹ đề, gạch chân từ khóa quan trọng để xác định đúng hướng giải quyết vấn đề, chú ý đơn vị, điều kiện, kiểm tra kết quả bằng máy tính. Đặc biệt, các em thường lúng túng ở các câu hỏi liên quan đến toán hình học. “Chìa khóa” giải quyết khó khăn này là phải nắm chắc kiến thức cơ bản và luyện tập nhiều, bởi khi luyện tập nhiều mới hình thành tư duy giải bài.
Ở môn Ngữ văn, cô Hà Thị Thu Thủy, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), chia sẻ, học sinh cần ôn tập kiến thức theo các nội dung lớn (như hình ảnh người phụ nữ, người chiến sĩ, lòng yêu nước, tình cảm gia đình, uống nước nhớ nguồn, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẻ đẹp con người Việt Nam), kết hợp rèn kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng nghị luận xã hội.
Năm nay, Sở GD-ĐT TPHCM thay đổi cách ra đề thi ở câu hỏi nghị luận văn học là “ấn định” ngữ liệu cụ thể trong sách giáo khoa, học sinh được yêu cầu nêu cảm nhận, suy nghĩ về tác phẩm hoặc đoạn trích trong sách giáo khoa, từ đó nêu tác động đến bản thân hoặc liên hệ thực tế, tác phẩm khác. Thay đổi này đòi hỏi học sinh phải nắm chắc nội dung từng tác phẩm, đoạn trích đã học trong chương trình, không học tủ, học lệch.
Ngoài ra, học sinh cần phân bổ thời gian hợp lý, tránh viết lan man, không đúng trọng tâm câu hỏi. “Đề thi tuyển sinh lớp 10 nhiều năm trở lại đây khá phong phú về mặt hình thức và nội dung. Trong đó, câu hỏi nghị luận xã hội có thể ở nhiều dạng đề khác nhau như lời nhận xét, mẫu tin, tình huống... Học sinh cần mở rộng dẫn chứng từ báo chí, các kênh thông tin chính thống đưa vào bài làm để tăng tính thuyết phục”, cô Thu Thủy lưu ý.
Với môn tiếng Anh, cô Nguyễn Lan Anh, Nhóm trưởng tiếng Anh 9, Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), cho hay, cấu trúc đề tuyển sinh năm nay giữ ổn định như năm 2023 với 40 câu hỏi. Trong đó, phần vận dụng cao chiếm 3/40 câu hỏi và tập trung chủ yếu ở phần đọc hiểu. Vì đề thi theo hướng ứng dụng thực tế nên học sinh cần mở rộng vốn từ theo các chủ điểm thông qua phim ảnh, sách, báo, tạp chí, nghe nhạc tiếng Anh, các ứng dụng học từ vựng tiếng Anh trên internet...
Đặc biệt, nhiều em thường gặp khó khăn ở phần nhận dạng và xác định loại từ trong đề thi do có quá ít vốn từ vựng tiếng Anh. Để khắc phục tình trạng này, học sinh cần cố gắng trang bị vốn từ theo các chủ đề trong sách giáo khoa càng nhiều càng tốt, không quá chú trọng về ngữ pháp, chỉ cần bám sát các điểm ngữ pháp cơ bản có trong chương trình. Hiện nay, thời gian còn lại đến ngày thi không nhiều, học sinh nên tạm gác các hoạt động bên ngoài để cân đối thời gian giữa học tập và nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ để có sức khỏe và tâm lý vững vàng trước khi bước vào kỳ thi quan trọng.
Giữa tháng 3-2024, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ công bố phương án tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2024-2025. Dự kiến, trong tháng 4-2024, sở công bố chỉ tiêu tuyển sinh của 114 trường THPT công lập. Năm nay, kỳ thi diễn ra vào đầu tháng 6 với 3 môn thi gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và môn chuyên hoặc tích hợp (nếu thí sinh có nguyện vọng thi vào lớp 10 chuyên hoặc tích hợp).