Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM vừa phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn đến các trường học trên địa bàn thành phố.
Theo ông Bùi Văn My, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), TPHCM hiện có 10/24 quận, huyện tổ chức sản xuất nông nghiệp, đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại chỗ của người dân. Trong đó, rau củ quả là mặt hàng dẫn đầu các sản phẩm tiêu thụ với hơn 30% tổng sản lượng, thủy sản đáp ứng 25%, thịt - trứng 20%...
Bữa ăn ở một trường mẫu giáo bán trú. Ảnh: Bảo Ngọc
Tuy nhiên, điều khiến những người có trách nhiệm lo lắng là quy mô đàn bò sữa hiện nay lên đến 100.000 con, nếu tính theo quy mô dân số thành phố có khả năng đáp ứng tại chỗ 28 lít sữa/người/năm. So với tỷ lệ bình quân cả nước, mỗi người dân Việt Nam chỉ tiêu thụ 12 lít sữa/người/năm, rõ ràng nguồn cung sữa của TPHCM đang dồi dào, nên đầu ra vẫn là bài toán khó đặt ra cho các đơn vị. Trước thực tế đó, các sở, ngành đã bắt tay thực hiện chương trình “Sữa học đường”, tăng cường đưa sữa và các sản phẩm làm từ sữa vào trường học nhằm giúp bà con nông dân tiêu thụ sữa, qua đó góp phần nâng cao tầm vóc và thể trạng của học sinh TPHCM.
Song song đó, Sở GD-ĐT cũng nhiều lần tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu đơn vị cung ứng thực phẩm sạch cho trường học, thường xuyên có văn bản nhắc nhở các đơn vị trường học siết chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, dù được coi là vấn đề “luôn nóng” và được các sở, ngành chỉ đạo sát sao, nhưng nhiều năm qua, cầu nối giữa doanh nghiệp cung ứng thực phẩm sạch và trường học vẫn còn lỏng lẻo. Có trường hợp doanh nghiệp thành lập hơn 10 năm, có đầy đủ giấy chứng nhận thực phẩm an toàn nhưng sau nhiều lần liên hệ, vẫn chưa tìm được đường vào trường học. Ngược lại, có trường hợp chủ doanh nghiệp phản ánh khi trường học đặt vấn đề thu mua sản phẩm, hai bên không đạt được thỏa thuận về chiết khấu, giá cả nên nhiều chủng loại thực phẩm sạch đành vắng bóng trong bữa ăn của học sinh. Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, đơn vị chuyên cung ứng các mặt hàng thịt heo sạch, rau sạch cho thị trường TPHCM, cho biết để sản xuất ra thịt heo sạch, đáp ứng toàn bộ quy trình khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng giá thành không cao hơn các loại sản phẩm thịt heo thông thường khác trên thị trường là một nỗ lực rất lớn của đơn vị. Tuy nhiên, làm thế nào để đơn vị có thể cạnh tranh với các nhà cung ứng khác, sản phẩm xuất hiện nhiều hơn trong bữa ăn của học sinh luôn là một trong những mục tiêu phải phấn đấu của đơn vị.
Thêm vào đó, do tình trạng trường, lớp xây không kịp đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhiều nơi trường học phải chấp nhận phá bỏ bếp ăn để cải tạo thành phòng học, khiến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Tân Phú (TPHCM) cho biết, khi lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, trường đề cao tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm hơn giá thành cung ứng. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận tất cả giấy tờ, điều khoản ký kết trên hợp đồng chỉ đáp ứng 80% yêu cầu về mức độ sạch, an toàn cho học sinh, 20% còn lại vẫn thuộc về lương tâm và trách nhiệm của đơn vị sản xuất. Đó cũng chính là lý do vì sao sở, ngành siết chặt quản lý nhưng đây đó vẫn xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm, gây ảnh hưởng sức khỏe học sinh.
Nói như chia sẻ của đại diện một phòng GD-ĐT, công tác quản lý nguồn cung ứng thực phẩm sạch vào trường học vẫn còn nhiều kẽ hở, trong đó mọi hoạt động chỉ đạo, giám sát chỉ dựa nhiều vào kêu gọi, khuyến khích chứ chưa có hành lang pháp lý với các chế tài đủ mạnh để các đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành. Do đó, để thực phẩm sạch đến gần hơn với khu vực trường học, ngoài việc tăng cường vận động, tuyên truyền, vẫn cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa từ các cơ quan chức năng, trong đó yêu cầu về kiểm tra, giám sát cần được thực hiện dài hơi, bài bản, kiểm tra đúng người, đúng địa chỉ, tránh việc giơ cao đánh khẽ như hiện nay.
THANH THU