Có một cụm địa danh mà cách nay hơn 35 năm, khi nghe nói đến nơi này người ta sẽ nhớ đến những trận chiến đấu ác liệt của quân ta để giải phóng từng mét đất quê hương; đó là Đức Cơ, Pleime, Đồng Xoài, Bình Giã. Sau ngày thống nhất đất nước, Đức Cơ và Pleime thuộc huyện Chư Prong. Cách đây 20 năm, ngày 15-10-1991, Đức Cơ được tách ra và thành lập huyện Đức Cơ mới.
1- Những năm tháng chiến đấu cứu nước và chống bọn Pôn Pốt, Đức Cơ như một chảo lửa với những trận chiến nhiều máu và nước mắt. Chưa kịp xây dựng lại vùng đất hoang tàn, Đức Cơ lại bị bọn đề ga lén lút sử dụng làm hành lang, đưa người vượt biên trái phép sang các trại tị nạn của chúng ở bên kia biên giới và đưa bọn phản động cùng vũ khí xâm nhập vào Tây Nguyên.
Để có ngày hôm nay, 20 năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Đức Cơ đã chú trọng công tác xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng Đảng bộ vững về chính trị tư tưởng, mạnh về tổ chức, chống tư tưởng ỷ lại, thụ động của đội ngũ cán bộ đảng viên, đặc biệt công tác dân vận được xem trọng với phương châm “nghe dân nói - nói dân nghe”.
Bí thư Huyện ủy Hồ Xuân Long nguyên là sĩ quan an ninh trong lực lượng chống fulro nên vùng đất Đức Cơ đối với anh quá thân thuộc. Năm 2006, anh được điều động về vùng đất biên giới này với nhiệm vụ mới. Anh tâm sự: “20 năm thành lập là 20 năm Đảng bộ, chính quyền và quân dân Đức Cơ phải căng người để làm tốt 2 nhiệm vụ: vừa chiến đấu bảo vệ vùng địa chiến lược, giữ vững an ninh chính trị vừa đầu tư, khai thác tốt những tiềm năng ở đây để từng bước nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.Trong 5 năm tới, với quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ và quân dân, tôi tin Đức Cơ sẽ có một diện mạo mới và sức sống mới”. |
Mấy năm qua, các đảng viên ở đây thực hiện tốt cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những hoạt động thiết thực, tạo khí thế sôi nổi từ huyện đến cơ sở, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong nhân dân. 5 năm qua, Đức Cơ kết nạp 647 đảng viên mới, nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, phấn đấu đến năm 2015 sẽ không còn thôn, làng trắng tổ chức Đảng (thời điểm 2003 có 19 thôn, làng không có đảng viên).
Năm 2010, thu nhập bình quân 10,74 triệu đồng/năm/người (đạt 178% so với Nghị quyết Đại hội IV của huyện nhiệm kỳ 2005 - 2010) và phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/năm/người, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm.
Thành quả đó có được là nhờ Đảng bộ Đức Cơ đã tìm ra hướng đi thích hợp trong chuyển dịch kinh tế từ thuần nông - lâm nghiệp (nay còn 58,4%) sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (trong 5 năm qua đã phát triển gần 8% mỗi năm), tỷ trọng thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế huyện tăng nhanh từ khi cửa khẩu Lệ Thanh được xây dựng thành khu đô thị biên giới và là trung tâm giao lưu thương mại giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh vùng Đông Bắc Campuchia.
2- Để thay đổi bộ mặt nông thôn và kéo ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa vùng sâu, vùng xa với vùng trung tâm kinh tế tỉnh, hơn 220 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách được đầu tư một cách căn cơ cho các công trình điện, đường, trường, trạm, thủy lợi.
Công tác giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân là một điểm son của Đảng bộ Đức Cơ. Chất lượng giáo dục ở đây được từng bước nâng lên: đội ngũ giáo viên tăng cả về số lượng và chất lượng. Hiện Đức Cơ có 46 trường học và 18.496 học sinh (tăng 14 trường và 1.795 học sinh so với năm 2005).
Với tỷ lệ cứ 3,09 người dân có 1 người đi học, năm 2009, Đức Cơ được công nhận đã hoàn thành phổ cập bậc trung học cơ sở và hiện có 3 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Bậc học mầm non cũng phát triển cả về số lượng và chất lượng và được tách ra khỏi bậc tiểu học.
Một trung tâm y tế khang trang được xây dựng mới với quy mô 120 giường và phòng phẫu thuật đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, 100% thôn làng có nhân viên y tế, 100% xã có y sĩ và nữ hộ sinh trung cấp, 7 xã có bác sĩ và toàn huyện có 6 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia.
*****
Đến Đức Cơ những ngày tháng 10 này, lòng ta sẽ thật sự bình yên khi ngày mới bắt đầu bằng tiếng bi bô của con trẻ ở các trường mầm non, tiếng ê a đọc bài của các học sinh tiểu học và những tà áo dài trắng nổi bật trên những con đường đất đỏ bazan của vùng biên giới Tây Nguyên này.
THÚY THÚY
Khởi sắc y tế vùng biên
Trong khi nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang loay hoay tìm cách nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, thì ở Đức Cơ - một huyện vùng biên giới lại có những cách làm hay, giúp người dân có được những dịch vụ khám chữa bệnh tiên tiến.
Tận tình với bệnh nhân
Trong căn nhà nhỏ tại thôn Sung Tung, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, anh Rơ Lan Tuấn, người dân tộc Ja Rai (22 tuổi), kể: “Ngày 16-8-2011, trong lúc đang lợp lại mái nhà, tôi bị té xuống đất nên đau dữ dội. Nhà nghèo nên gia đình không cho tôi nhập viện mà tự ý mua thuốc về uống, nhưng cơn đau nhói bên hông càng lúc càng dữ dội. Đến lúc này gia đình mới vội đưa tôi đến Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ. Các bác sĩ chẩn đoán tôi bị vỡ lá lách”.
Kíp mổ quyết định cắt lá lách cho Tuấn tại ngay trung tâm, bởi nếu chuyển đúng tuyến, bệnh nhân có thể tử vong trên đường chuyển viện. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, Rơ Lan Tuấn vượt qua cơn nguy hiểm. Anh Tuấn tâm sự: “Mình mang ơn các bác sĩ nhiều, hôm đó nếu không có họ, không biết mình có sống nổi đến hôm nay không”.
Trong tháng 8-2011, kíp mổ của Trung tâm Y tế Đức Cơ lại thực hiện ca phẫu thuật vượt tuyến. Sản phụ Nguyễn Thị Thủy, 36 tuổi, nhà ở thị trấn Chư Ty được chuyển đến Trung tâm Y tế trong tình trạng sức khỏe rất xấu vì thai lưu ngoài dạ con.
Mổ bắt con xong, BS Hà Ngọc Hải, Trưởng khoa Ngoại và BS Võ Văn Đông, Trưởng khoa Sản giật mình khi sản phụ bị băng huyết ồ ạt vì tử cung đờ do đã từng phẫu thuật u xơ trước đó. Chuyển ra bệnh viện tỉnh thì tỷ lệ sống chỉ 10%, còn phẫu thuật tại chỗ tỷ lệ tử vong tối đa cũng chỉ 5%. Chuyển hay không chuyển?
BS Nguyễn Văn Đang, Giám đốc Trung tâm Y tế hối hả đến bệnh viện để cùng kíp mổ hội chẩn gấp ngay bên giường mổ. Đội thanh niên tình nguyện hiến máu nhân đạo của Huyện đoàn và Bộ đội D50 được thông báo khẩn.
“Phẫu thuật tại đây, nếu cần, tôi cùng kíp mổ sẽ làm bản tường trình với cấp trên vào ngày mai. Còn đêm nay, bệnh nhân phải được cứu sống”, BS Đang quyết định. Đèn phòng mổ bật sáng: 23 giờ, ổ bụng bệnh nhân khép lại. Máy đo nhịp tim đang nhảy những dao động đều dần… Các tình nguyện viên đội hiến máu nhân đạo thở phào ra về. Hôm sau, bệnh nhân đã cười được với kíp mổ đêm qua.
Chiêu hiền đãi sĩ
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đang, để có được những thành quả hiện nay là nhờ hiệu quả của Đề án 1816 và chủ trương “chiêu hiền đãi sĩ” của lãnh đạo huyện. Đến nay đã có 4 bác sĩ và 1 cử nhân gây mê giàu kinh nghiệm tình nguyện về Đức Cơ. Thật ra, đến công tác vùng biên giới heo hút này, các bác sĩ ấy không hẳn vì quyền lợi vật chất như được ưu tiên cấp đất, nhà mà hơn thế, còn vì cái tình.
Bác sĩ chuyên khoa I Hà Ngọc Hải, Trưởng khoa Ngoại tổng quát vốn là “tay dao tốt” của Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã An Khê, do “cảm” được tấm lòng của Bí thư huyện Đức Cơ Hồ Xuân Long trong một buổi gặp gỡ, nên anh đã xin chuyển từ phố thị về vùng biên giới heo hút này.
Với sự tiến bộ về kỹ thuật và đội ngũ chuyên môn giỏi, Trung tâm Y tế Đức Cơ đã được lãnh đạo huyện cho “cơ chế” hoạt động theo phương thức “lấy thu bù chi” trong điều trị cho bệnh nhân người Campuchia. Dùng chi phí của bệnh nhân nước bạn có thu nhập khá để bù cho việc cứu chữa miễn phí cho những người dân Campuchia nghèo, người từng giúp đỡ bộ đội VN trong chiến tranh biên giới, năm xưa.
9 tháng đầu năm 2011, đội ngũ y, bác sĩ tại đây đã khám 24.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho 5.000 lượt người và thực hiện trên 350 ca phẫu thuật. Công tác khám và điều trị bệnh tại tuyến cơ sở ngày càng được nâng lên và Trung tâm Y tế Đức Cơ không chỉ giải quyết tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong huyện mà còn làm tốt công tác tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, và thực hiện thành công các ca phẫu thuật cấp cứu ở tuyến huyện. Cho đến nay, toàn huyện đã có 6 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, gồm: Ia Pnôn, Ia Lang, Ia Dơk, Ia Nan, Ia Kla và Ia Kriêng. |
ĐỨC TRUNG – THƯ PHƯƠNG