Đừng biến thuốc thành kẹo!

Kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và đặc biệt là y tế.
Đừng biến thuốc thành kẹo!

Kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và đặc biệt là y tế.

Kháng thuốc kháng sinh không chỉ đe dọa đến sự bền vững của hệ thống sản xuất nông nghiệp, thực phẩm mà nguy hiểm hơn kháng thuốc đang đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người Việt Nam...

Thậm chí việc sử dụng thuốc kháng sinh đối với nhiều người chẳng khác gì ăn kẹo hàng ngày, hàng giờ

Đây là những cảnh báo rất đáng quan tâm được đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo với chủ đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam diễn ra ngày 29-11 tại Hà Nội.

Rõ ràng sự phát triển của y học và các loại kháng sinh đang giúp cho thế giới có được “vũ khí” hữu hiệu chống lại những vi khuẩn nguy hiểm đe dọa tới sức khỏe và tính mạng con người. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là thứ “vũ khí” quan trọng này đang ngày càng mất đi sự hiệu nghiệm do tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả cộng đồng, cũng như từng con người.

Bác sĩ Lokky Wai, đại diện WHO tại Việt Nam chỉ rõ: “Chúng ta đang đối mặt với một tương lai khi mà chỉ triệu chứng ho hoặc một vết cắt cũng có thể gây tử vong...” để minh họa cho tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng tới mọi người dân, mọi quốc gia.

Theo cảnh báo của WHO đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc kháng sinh có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu. Đáng báo động hơn, trong số các quốc gia có tình trạng kháng thuốc kháng sinh nghiêm trọng thì Việt Nam là một trong số những nước đứng đầu.

Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, lo ngại cho biết, hầu hết chủng vi khuẩn ở Việt Nam hiện đã kháng với kháng sinh, có nhiều vi khuẩn đã kháng với nhiều loại kháng sinh trên thị trường. Thậm chí có những chủng vi khuẩn đã biến đổi gien và kháng với tất cả loại kháng sinh hiện có.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng kháng thuốc nói chung và kháng thuốc kháng sinh nói riêng song việc sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan như hiện nay trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và thực phẩm là lý do cơ bản.

Không ở đâu như nước ta việc mua bán thuốc kháng sinh lại dễ dàng và thoải mái như vậy, không cần đơn thuốc, không chỉ dẫn của bác sĩ cũng có thể mua được hàng chục loại kháng sinh khác nhau trên thị trường.

Thậm chí việc sử dụng thuốc kháng sinh đối với nhiều người chẳng khác gì ăn kẹo hàng ngày, hàng giờ; cứ hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu là lại “tống” thuốc kháng sinh mà không cần biết hiệu quả, tác dụng như thế nào.

Điều tra của Bộ Y tế cho thấy, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam rất cao, trong các bệnh viện 50% chi phí khám chữa bệnh dành cho tiền thuốc điều trị thì thuốc kháng sinh chiếm tới 33%. Đặc biệt, việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh của người dân ở nông thôn lên tới 91%, trong khi ở thành thị chỉ có 88%. Tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở các bệnh viện tuyến trung ương chiếm gần 30% chi phí điều trị, trong khi các bệnh viện tuyến tỉnh là 35%, huyện là 45%.

Trong khi đó, bà Socorro Escalate, Trưởng nhóm Phát triển Hệ thống Y tế của WHO tại Việt Nam thẳng thắn, tại Việt Nam người dân có thể dễ dàng mua thuốc kháng sinh mà không cần kê đơn, thậm chí, bác sĩ còn kê hơn 2 thuốc kháng sinh trong 1 đơn thuốc.

Theo WHO, từ năm 2009 đến nay, số lượng bán thuốc kháng sinh ở Việt Nam ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần so với thời điểm hiện tại. Cùng với đó là việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, sản xuất thực phẩm thiếu kiểm soát. Các loại kháng sinh sử dụng trên động vật nhằm điều trị bệnh, phòng bệnh và kích thích tăng trưởng cho vật nuôi đang được sử dụng bừa bãi, khiến cho thịt và các sản phẩm từ động vật luôn tồn dư một lượng lớn kháng sinh.

Trước thực trạng đáng báo động trên, hiện nay Việt Nam đang triển khai thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Trong đó từ 2013, Việt Nam đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc kháng sinh và trở thành quốc gia đầu tiên khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO thực hiện được điều này.

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng hệ thống toàn diện và đa chiều nhằm chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh nhưng giải pháp cần thiết quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, cũng như tâm lý “sính” kháng sinh của người dân và không ít cán bộ y tế.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục