Xã hội có nhiều người tốt, luôn ý thức sống hết lòng vì người khác, hào hiệp giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn. Thế nhưng, họ khốn khổ vì “làm ơn mắc oán”, giúp đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu, rồi phải chịu nhiều phiền toái, bực mình, thậm chí còn bị người nhà nạn nhân hành hung. Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc đã phản ánh nỗi bức xúc khi gặp phải tình cảnh này.
Tự dưng bị giam xe
Rạng sáng ngày 24-12, anh Nguyễn Tấn Đạt (30 tuổi, ngụ tại hẻm 161 Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, TPHCM) gọi điện thoại đến đường dây nóng Báo SGGP với tâm trạng buồn bực. Anh Đạt kể, lúc nửa khuya, trên đường về gần đến nhà, anh Đạt phát hiện có một phụ nữ bị tai nạn giao thông nằm trên đường, với bàn chân trái bị thương khá nặng, máu chảy rất nhiều. Anh Đạt đề nghị một anh bảo vệ dân phố tên Phú đang có mặt tại đó cùng đưa nạn nhân lên xe máy của anh và ngồi sau giữ để đưa đi cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa Xóm Củi.
Nạn nhân bị say rượu nên không ngồi vững, nhiều lần trên đường đến bệnh viện, chị suýt té ngã. Kíp trực cấp cứu đêm đó tiếp nhận bệnh nhân, nhưng khi anh Đạt ra lấy xe định về thì do nạn nhân bị thương nặng quá, kíp trực phòng khám yêu cầu anh Đạt đưa người gặp nạn đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Anh Đạt không đồng ý thì kíp trực cấp cứu yêu cầu bảo vệ đóng cửa, không cho anh Đạt lấy xe.
Anh Đạt tâm sự: “Chuyện chuyển viện là trách nhiệm của phòng khám. Tại sao họ lại bắt tôi đưa chị ấy đi bệnh viện khác. Thú thật, nếu chị ngồi vững vàng trên xe, chắc tôi cũng đưa đi, không đôi co, cự cãi làm gì. Đằng này…”. Mãi đến hơn 3 giờ sáng, khi Công an phường 12 quận 8 đến tiếp nhận vụ việc, có anh Phú làm chứng, anh Đạt mới được lấy xe ra về.
Anh Lâm Thành Đức (ở quận 5 TPHCM) phản ánh nỗi khốn khổ khi giúp đưa một người bị tai nạn đi cấp cứu. Hôm đó, khi chạy xe trên đường Nguyễn Trãi, anh phát hiện một bà cụ bị vấp té trên đường nên dừng xe giúp đưa bà cụ đi cấp cứu ở bệnh viện. Thủ tục tiếp nhận đơn giản, nhưng khi anh Đức định lấy xe ra về thì mới hay, xe đã bị tạm giữ vì liên quan đến vụ việc. Mãi 2 ngày sau, khi khổ sở chứng minh mình không phải là người gây tai nạn và gia đình bà cụ đã hiểu chuyện, chịu thanh toán viện phí, anh Đức mới được trả xe.
Ông Nguyễn Ngọc Thành (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM) còn gặp nạn sau khi hào hiệp cứu người bị nạn. Đưa nạn nhân về nhà ở khu vực Cống Bà Xếp (quận 3), thấy nhà này vẫn còn sáng đèn và đang có đám thanh niên ngồi nhậu, vừa dừng xe, ông Thành nói lớn: “Anh này bị tai nạn nhờ tôi đưa về”. Không cần biết phải trái, đám thanh niên ùa ra đòi đánh. Ông Thành hớt hải bỏ chạy. Dù hành động rất nhanh, nhưng ông vẫn bị “dính” mấy vỏ chai bia trên lưng.
Làm ơn mắc oán
Bác sĩ Trịnh Đình Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết: “Khi nhận được bất kỳ ca cấp cứu nào, chúng tôi đều thực hiện các giải pháp nghiệp vụ để chẩn đoán và giúp nạn nhân qua cơn nguy kịch. Đây là vấn đề tiên quyết của thầy thuốc. Còn mọi chuyện về chế độ, tài chính hay nạn nhân có bảo hiểm, bảo hiểm đúng tuyến hay không… do bộ phận tiếp nhận giải quyết và theo dõi. Trong thời điểm nạn nhân đang nguy kịch, trong ngành gọi là “thời gian vàng”, chúng tôi nỗ lực cứu bệnh nhân nên không quan tâm nhiều đến thủ tục.
Song qua một thời gian dài công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115, và nay được điều động về Bệnh viện quận Thủ Đức, có đôi lần tôi biết người giúp đưa nạn nhân bị tai nạn đến cấp cứu bị làm khó dễ, là do có sự hiểu lầm. Một số trường hợp còn bị công an giữ giấy tờ tùy thân hay phương tiện để phục vụ công tác điều tra”.
Thiếu tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng Phòng CSGT (Công an TPHCM), khẳng định: “Với những trường hợp như vậy, lẽ ra chúng ta phải cảm ơn những người tốt bụng không quản ngại khó khăn, đêm tối đưa người bị nạn đi cấp cứu, do vậy sẽ rất tệ nếu như lại gây phiền phức cho họ. Chúng tôi cũng có nghe thông tin phản ánh về những việc “làm ơn mắc oán” thế này. Do vậy, Ban Chỉ huy Phòng CSGT đã chỉ đạo các cán bộ - chiến sĩ thuộc quyền cần tập trung và quan tâm hơn nữa trong công tác tiếp nhận, xử lý vụ việc, dứt khoát không gây khó khăn, phiền phức cho người đưa nạn nhân đi cấp cứu”.
Thực tế không có quy định nào về việc tạm giữ người và tài sản đối với người giúp đưa nạn nhân đi cấp cứu. Chỉ có quy định phải cứu người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Thậm chí, người tham gia giao thông, nếu thấy người bị tai nạn mà không có biện pháp hỗ trợ sẽ bị xử lý hình sự. Mong sao, các cơ quan chức năng liên quan có quy định rõ ràng để những người làm việc tốt không nản lòng.
ĐOÀN HIỆP