Tuyệt đỉnh, hết hồn, giật mình, rất đúng, chuẩn cực… là những lời quảng cáo của hàng loạt hoa hậu, MC, diễn viên, ca sĩ tên tuổi cho một “thầy” xem tử vi nhưng ai cũng hiểu mục đích chính nhằm bán vật phẩm phong thủy với giá không hề rẻ. Dù rằng sau đó, trước phản ứng phẫn nộ của không ít khán giả, nhiều người gỡ bài đăng nhưng câu hỏi cái giá nào để những nghệ sĩ chấp nhận quảng cáo cho một loại hình kinh doanh vốn nhạy cảm, nơi mà ranh giới với mê tín dị đoan rất mong manh, vẫn được rất nhiều khán giả nhắc đến.
Đây không phải lần đầu tiên các nghệ sĩ Việt đăng tải quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ gây tranh cãi, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Trong quá khứ, những bài học về quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, tiền ảo… vẫn vẹn nguyên giá trị. Đáng nói hơn, gần đây, những hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp, ứng xử, đạo đức của các nghệ sĩ Việt càng có dấu hiệu gia tăng. Tại sao những vi phạm này lặp lại, tái diễn chỉ sau một thời gian rất ngắn. Có hay chăng, vì những mục đích lợi ích cá nhân, họ bất chấp cả hình ảnh, uy tín của mình để… làm liều. Câu trả lời người trong cuộc hiểu hơn ai hết.
Câu nói “Công ai nấy nhớ, tội ai nấy chịu” trong trường hợp này không còn đúng. Bởi, hành động của họ không đơn thuần chỉ lợi - hại với riêng cá nhân mình. Với sức ảnh hưởng từ danh tiếng sẵn có, đặc biệt khi những thông tin này được phát tán rất nhanh trên mạng xã hội, câu chuyện đã không còn dừng lại ở đó. Từng có những dự án phim bị khán giả tẩy chay khi nghệ sĩ vướng scandal. Những thiệt hại về kinh tế có thể đong đếm được, nhưng còn có những thiệt hại không thể tính được như những tác động tiêu cực đến giới trẻ khi người nghệ sĩ thần tượng có các hành động tiêu cực, phản cảm.
Tháng 12-2021, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL ban hành Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL về quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó có các quy định về hành vi ứng xử là những phát ngôn, tác phong, lối sống, sử dụng trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đồng thời cũng có những quy định về việc không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung, thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Nếu đối sánh với quy tắc này, rõ ràng bản thân các nghệ sĩ nói trên đều có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, quyết định này chỉ dừng lại ở mục đích nhắc nhở vì không kèm theo phụ lục xử phạt.
Trước đó, vào tháng 3-2021, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cũng có một số điều khoản liên quan đến sự việc nói trên. Tuy nhiên, vì chưa thể xác định những quảng cáo của nghệ sĩ có thuộc danh mục các hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh theo quy định hay không nên chưa thể áp dụng mức phạt trong nghị định. Để có câu trả lời cuối cùng, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Trong quá khứ, nhiều nghệ sĩ vi phạm từng bị phạt hành chính, xin lỗi, cam kết không tái phạm nhưng dường như chưa phát huy tác dụng răn đe, cảnh báo với cá nhân khác. Vậy nên mới dẫn đến tình trạng sai đâu xử lý đó.
Thiết nghĩ việc kêu gọi ý thức giữ gìn hình ảnh, uy tín của mỗi nghệ sĩ giờ là câu chuyện thừa. Đó phải là việc làm tự thân, vì khi là những người của công chúng, hành động đó mang đến cho họ cả “tiếng và miếng”. Quy định của pháp luật chưa quá khắt khe cũng vì muốn tạo cơ hội và để quá trình tự nhận thức giúp nghệ sĩ trưởng thành, vững vàng hơn. Tuy nhiên, khi những kẽ hở về pháp lý dễ dàng bị “lách luật”, sai phạm nối tiếp nhau, ngay cả với những nghệ sĩ hoạt động lâu năm trong nghề, bây giờ là lúc cần liều thuốc mạnh hơn từ khán giả và các cơ quan quản lý. Môi trường nghệ thuật không nên là nơi dung túng, tiếp tay hay thả cửa để khi vi phạm xảy ra, chỉ cần tặc lưỡi, mọi chuyện sẽ êm xuôi.