Đừng để thua trên sân nhà!

Tại phòng chờ trên lầu 1 sân bay Côn Đảo, nơi khang trang và bắt mắt nhất là quầy bán hàng Thái Lan, chiếm gần trọn khu vực kinh doanh phục vụ khách tại đây. Quần áo, bánh kẹo, giày dép, hàng lưu niệm… với mẫu mã, bao bì khá đẹp và giá cả hợp lý, nên cửa hàng bán hàng Thái lúc nào cũng đông khách. Tại siêu thị Thái (đối diện Co.opmart Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TPHCM) chuyên bán hàng Thái Lan cũng luôn nhộn nhịp khách hàng. Cơ man nào là hàng, từ giày tây, dép nhựa, đến những thứ linh tinh như kẹp tóc, băng keo, nước ngọt, dầu gió, mì gói Thái… Sức hút đối với khách Việt mua hàng Thái tại đây vẫn là 3 tiêu chí: mẫu mã, chất lượng và giá cả.

Không chỉ có cửa hàng Thái ở sân bay Côn Đảo hay siêu thị Thái ở đường Nguyễn Kiệm, người Thái mỗi năm một lần còn mang hàng đến quảng bá ở hội chợ hàng Thái tại Trung tâm triển lãm Tân Bình (TPHCM). Trong mấy ngày hội chợ, đông nghịt người chen lấn, cũng mua chừng ấy hàng như  cá hộp, quần áo, hàng gia dụng… Nhìn rộng ra, dễ thấy các tập đoàn Thái Lan đang thực hiện “chiến lược vết dầu loang” tại thị trường Việt Nam với thế mạnh về mẫu mã, chất lượng, giá cả cùng chính sách quảng cáo, khuyến mãi chuyên nghiệp, hiệu quả. Từ Tập đoàn C.P. trong lĩnh vực gia cầm, các tập đoàn Thái đã đặt chân vào Metro, một phần Nguyễn Kim, B’mart, Five Star…, và nghe đâu sắp tới sẽ là Big C khi Tập đoàn Casino (Pháp) đang rao bán chuỗi siêu thị này. Không quá đáng khi một quan chức trong Hiệp hội Siêu thị đã nhận định rằng các gia đình Việt đang sử dụng từ một đến vài sản phẩm của Thái Lan.

Trong khi đó, đến các siêu thị hàng Việt, thấy các hàng tết đang được bày bán như hộp đựng mứt vẫn là hộp nhựa mẫu mã cách nay hơn chục năm với nhiều bất tiện. Hàng thực phẩm khô như tiêu, muối, giấm… vẫn chừng ấy bao bì, chai nhựa kiểu dáng cũ. Thậm chí như hũ chao, đến bây giờ sau mấy chục năm vẫn không đổi được bao bì cho tiện lợi, sạch đẹp. Hộp nhựa đựng thực phẩm sản xuất trong nước tỏ ra yếu thế so với mặt hàng tương tự của nước ngoài. Không phủ nhận, nhiều mặt hàng quần áo được sản xuất trong nước có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, nhưng còn yếu trong tiếp thị, quảng cáo. Ngoài số ít sản phẩm của các công ty lớn, hầu hết hàng gia dụng, thực phẩm đều là của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và đang tỏ ra đuối sức trước hàng ngoại, đặc biệt là hàng Thái Lan. Nhiều khách hàng muốn ủng hộ hàng Việt Nam, nhưng khi mua sắm phải tính toán, so đo giá cả, chất lượng, mà điều này thì hàng Việt Nam tỏ ra yếu thế.

Không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đổi mới mạnh mẽ để tồn tại trên đất nước của mình, tránh nguy cơ phải “thua trên sân nhà”.

HUỲNH HOA (quận Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục