Sau khi đưa ra đề xuất quy định cầu thủ đến 25 tuổi mới được phép chuyển nhượng tự do gây phản ứng từ dư luận, thì LĐBĐ Việt Nam lại tiếp tục đề xuất sẽ siết chặt hạn ngạch sử dụng ngoại binh ngay từ mùa giải 2013 để hạn chế các đội bóng trong việc mua sắm cầu thủ tràn lan, tốn kém.
Những giải pháp nói trên, thoạt nhìn đều thấy hợp lý trong giai đoạn khủng hoảng này của bóng đá Việt Nam, nhất là ở khía cạnh tài chính. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ rộng hơn thì vẫn chỉ là chuyện “gọt chân cho vừa giày” chứ không phải là cách làm căn cơ, phù hợp với xu thế. Ví dụ như chuyện siết hạn ngạch ngoại binh, trên thực tế không cần siết thì cũng sẽ có rất ít đội dám bạo chi khi mà lương và tiền chuyển nhượng của cầu thủ ngoại cao hơn cầu thủ nội đến 2-3 lần. Nói cách khác, chẳng cần phải siết, các CLB cũng tự động “quên” ngoại binh. Đấy là cách vận hành của cơ chế thị trường.
Có thể thấy, đưa ra quy định như thế là không cần thiết. Ngược lại, việc siết hạn ngạch ngoại binh đang làm giảm tính cạnh tranh của giải chuyên nghiệp Việt Nam.
Cộng với việc đưa quy định 25 tuổi mới chuyển nhượng, cho thấy bóng đá Việt Nam có xu hướng quay lại thời “bao cấp bóng đá” khi mà những quyền lợi mang tính cục bộ được đặt lên hàng đầu thay vì nâng cao tính chuyên nghiệp cho nền bóng đá.
Với cách làm như vậy, chẳng khác nào tự hạn chế các cơ hội đầu tư của doanh nghiệp vào bóng đá. Đúng là trong thời gian qua, vì buông lỏng quản lý nên bóng đá Việt Nam rối loạn. Tuy nhiên, không thể vì thế mà cho rằng tất cả các doanh nghiệp đều cố tình làm bậy. Thời điểm khủng hoảng hiện nay, tự thân nó đã sàng lọc giúp cho bóng đá Việt Nam rất nhiều. Những ông bầu thích “lướt sóng” sẽ không còn thấy hiệu quả nữa và tự rút lui, thay vào đó là những người có tâm huyết, muốn đầu tư căn cơ hơn. Tuy nhiên, việc siết chặt các quy định nói trên sẽ làm nản lòng người đầu tư mới. Nói cho cùng, ai làm bóng đá cũng muốn có thành tích nhanh để còn có động lực làm dài hạn. Nhưng với những quy định nói trên, người mới làm bóng đá lại phải bỏ thêm tiền, thời gian. Không phải 2-3 năm mà có khi lên đến 5-10 năm mới có kết quả. Thử nghĩ xem, nếu không mua được cầu thủ, không có thêm ngoại binh thì làm sao tranh đua được với các đội bóng đã có sẵn nền tảng. Với một nền bóng đá không đem lại nguồn thu, tốn quá nhiều tiền và thời gian như vậy, thật khó có nhà đầu tư nào hào hứng tham gia.
Cũng nhân chuyện này, hôm qua làng quần vợt Việt Nam đón một tin vui khi tay vợt mới 15 tuổi 8 tháng Lý Hoàng Nam lên ngôi vô địch quốc gia, tức là nhà vô địch trẻ nhất trong lịch sử. Lý Hoàng Nam là “sản phẩm” của bộ phận quần vợt trực thuộc Công ty thể thao Becamex Bình Dương, đơn vị cũng đang quản lý đội bóng đá Bình Dương. Như đã biết, CLB Bình Dương vốn nổi tiếng là “chịu chi” trên thị trường chuyển nhượng bóng đá (vì vậy cũng chịu nhiều luồng phê phán) nhưng cũng gặt hái không ít thành tích cao với 2 chức vô địch V-League, vào đến bán kết AFC Cup chỉ trong 6 năm làm bóng đá chuyên nghiệp. Họ cũng chỉ mới đầu tư cho quần vợt trong 4-5 năm trở lại đây và có ngay thành quả. Chưa nói đến việc họ đã hỗ trợ để tổ chức giải đấu bóng đá BTV Cup thường niên với gần 10 năm trụ ở đẳng cấp châu Á. Như vậy, không phải dòng tiền đầu tư lớn nào cho thể thao cũng là lãng phí, hơn thua nhau vẫn là ở cách làm, ở mục đích chứ không phải là tiền nhiều hay tiền ít, bị siết chặt bởi các quy định hay là buông lỏng.
Cách mà VFF đang làm không phải là một xu thế hợp thời. Không phải cứ quản lý không được thì vội vàng siết chặt các quy định bất chấp điều đó đi ngược với sự phát triển. Làm như thế, chưa biết có tốt hơn không nhưng trước mắt là đã thấy kéo lùi sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp.
ĐĂNG LINH