Trao đổi với PV Báo SGGP vào chiều 22-9, Ths Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết, những ngày qua, dải hội tụ nhiệt đới hình thành và phát triển ở khu vực Nam Trung bộ gây mưa nhiều. Mưa chủ yếu vào buổi sáng nên độ ẩm không khí cao, gây hiện tượng sương mù. Dự báo, hết ngày 23-9, mưa giảm dần và tập trung vào chiều tối nên hiện tượng sương mù sẽ chấm dứt. Tuy vậy, khả năng ô nhiễm không khí, bao gồm yếu tố bụi mịn (nếu có) thì phải quan trắc, đánh giá chi tiết mới đưa ra những kết luận chuẩn xác.
Trước đó, nhiều bạn đọc phản ánh có hiện tượng cay và chảy nước mắt khi chạy xe ngoài đường vào thời điểm sương mù dày đặc. Trong ngày 22-9, thông tin từ Tổ chức Giám sát chất lượng không khí Air Quality (Mỹ) dẫn ra chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) tại TPHCM có nơi lên tới 174, không tốt cho người nhạy cảm.
AQI được chia thành nhiều cấp độ khác nhau, nếu AQI có chỉ số 0-5: chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe; nếu 51-100: trung bình; 101-200: kém; 201-300: xấu; trên 300: nguy hại- cấp độ cao nhất, mọi người nên ở trong nhà. Thêm nữa, ô nhiễm không khí với nồng độ bụi siêu vi PM2.5 ở mức 102.7µg/m³, sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Những thông tin từ các tổ chức độc lập là kênh thông tin tham khảo. Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT TPHCM, cũng đã cập nhật số liệu quan trắc chất lượng không khí trên hệ thống bảng điện tử ở các tuyến đường để người dân tiện theo dõi. Nhưng, một số người dân phản ánh số liệu khá cũ, có khi chậm vài tháng, nên giá trị tham khảo hạn chế.
Ths Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết, thông thường tháng 9, 10 là cao điểm mùa mưa ở Nam bộ, số ngày mưa nhiều hơn, lượng mưa tập trung hơn. Mấy ngày qua, bên cạnh gió mùa Tây Nam, còn hình thành và phát triển mạnh dải hội tụ nhiệt đới Nam Trung bộ nên gây mưa nhiều tại khu vực này, nhất là vào buổi chiều tối và sáng sớm. Trong bầu khí quyển có những hạt sol khí lơ lửng. Những hạt này đóng vai trò như hạt liên kết. Các hạt hơi nước li ti, hạt bụi từ các công trình xây dựng và sinh hoạt do con người gây ra; các hạt kim loại nặng từ khói xe, nhà máy ở các khu công nghiệp... cùng bám vào các hạt sol khí này. Mưa kéo dài như nhiều ngày qua làm nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm tăng lên rất cao, ở mức 97%-98% mà gió lại không quá mạnh, khiến những hạt liên kết này dày đặc hơn trong không khí. Khi môi trường bị ô nhiễm (ở TPHCM, chỉ số AQI trong nhiều ngày trên 150) sẽ thấy sương mù màu trắng đục. Nếu ô nhiễm môi trường nặng hơn, hiện tượng sương mù từ trắng đục sẽ chuyển thành màu trắng ngà hay có màu hơi vàng.
Theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia TPHCM, có 2 nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại TPHCM và phía Nam từ ngày 18-9 đến 22-9. Đó là chất ô nhiễm do cháy rừng từ Indonesia, bị gió thổi sang; Độ ẩm trong không khí cao 95%-100% do mưa nhẹ và trong không gian có các hạt nhân ngưng kết để hơi nước bám vào. Ngoài ra do trời không nắng nên không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt, khiến khí ô nhiễm phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân... không phát tán lên cao.
Nồng độ chất ô nhiễm không khí (bụi PM2.5) trong nhà và bên ngoài hiện nay ở TPHCM rất cao, nên người dân cần tự bảo vệ sức khỏe. Ví dụ không tập thể dục ngoài trời; sử dụng máy lọc khí trong nhà; khi ra đường, nên đeo khẩu trang chuyên dụng, mặc các loại quần áo dài tay, sử dụng kính chắn bụi. Hàng ngày sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và làm sạch cơ thể trước khi đi ngủ; không nên ăn uống, mua bán thực phẩm tại những hàng quán ở ven đường...