Đừng… lười

Vì sự an toàn cho chính bản thân, mọi người không nên… lười đi bộ để đến cầu vượt. Cũng cần lưu ý nữa, theo quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, với hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260), người tham gia giao thông nói chung và người đi bộ nói riêng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 7 - 15 năm. 
Tôi đã phát hoảng khi thấy không ít sinh viên nhiều trường đại học nằm gần cầu Văn Thánh (quận Bình Thạnh) “băng” qua dòng xe phóng vun vút trên đường Điện Biên Phủ để sang bên kia đường. Điện Biên Phủ là một trong những tuyến đường giao thông huyết mạch nằm ở ngay cửa ngõ phía Đông TPHCM nên lượng xe qua đây mỗi ngày phải đến hàng vài trăm ngàn lượt. Chưa kể, vì là đường huyết mạch nên đường Điện Biên Phủ khá rộng, có làn riêng cho ô tô lưu thông với tốc độ cao… Điều đáng nói, ở khu vực này có cầu vượt dành cho người đi bộ được xây dựng khá đẹp với nhiều cây xanh trang trí. Vậy nhưng rất ít sinh viên sử dụng. 
Theo nhiều người dân sinh sống gần đó, có lẽ do đường Điện Biên Phủ đoạn từ cầu Điện Biên Phủ tới cầu Sài Gòn (trên địa bàn quận Bình Thạnh) dài nhiều kilômét nhưng chỉ có 1 cầu vượt dành cho người đi bộ nên không chỉ sinh viên mà nhiều người dân khi qua đường, nếu không ở gần cầu vượt cũng… lười đi bộ tới cầu vượt. 
Quan sát nhiều giờ ở khu vực này, tôi thấy nhận xét của người dân không sai. Rất nhiều người khi qua đường đã… lười đi bộ tới nơi có cầu vượt để lên cầu. 
Đi bộ trong cái nóng và bụi rất mệt mỏi, chưa kể, nhiều vỉa hè còn bị lấn chiếm nên việc đi bộ tới nơi có cầu vượt để qua đường không đơn giản. Thế nhưng, TPHCM cũng không thể xây dựng nhiều cầu vượt gần nhau để mọi người bước ra đường là có cầu vượt ngay, bởi không đủ kinh phí và cũng không thành phố nào làm như vậy. Vấn đề mỹ quan đô thị, rồi việc đi lại của các phương tiện giao thông khác, không cho phép xây cầu vượt “san sát”. 
Do vậy, vì sự an toàn cho chính bản thân, mọi người không nên… lười đi bộ để đến cầu vượt. Cũng cần lưu ý nữa, theo quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, với hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260), người tham gia giao thông nói chung và người đi bộ nói riêng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 7 - 15 năm. 
Cách nay hơn 10 năm, tại TPHCM đã xảy ra vụ tai nạn giao thông làm chết người do người đi bộ gây ra. Một người đàn ông điều khiển xe gắn máy đã đâm vào người phụ nữ đang băng qua đường ở quận 1. Va chạm xảy ra, người đàn ông ngã xuống đường và tử vong. Người phụ nữ này đã bị xử lý nghiêm khắc theo luật định. Vụ án đã gây ra nhiều tranh cãi trong thời điểm đó bởi trong tâm thức của nhiều người, khi tai nạn giao thông xảy ra lỗi bao giờ cũng thuộc về người điều khiển các phương tiện giao thông lớn hơn. Ví dụ, va chạm giữa ô tô và xe gắn máy, lỗi hay bị “áp” thuộc về ô tô; va chạm giữa người đi bộ và người đi xe gắn máy, lỗi hay bị ép thuộc về người điều khiển xe gắn máy…
Với những quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015, những suy nghĩ đầy cảm tính nêu trên sẽ không còn cơ hội để tồn tại. Điều này có nghĩa, để bảo vệ bản thân, cũng như đừng để gây ra tai nạn cho người khác, khi đi bộ vẫn phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đừng vì… lười mà gây nguy hiểm cho mình và mọi người.

Tin cùng chuyên mục