Dùng "Mô hình phiên tòa giả định" để nâng cao nhận thức pháp luật về an toàn giao thông

Ngày 9-12, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp tổ chức chương trình: Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ bộ tài liệu "Mô hình phiên tòa giả định".

Các đại biểu tham dự chương trình: Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ bộ tài liệu "Mô hình phiên tòa giả định"
Các đại biểu tham dự chương trình: Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ bộ tài liệu "Mô hình phiên tòa giả định"

Bộ tài liệu "Mô hình phiên tòa giả định" tái hiện các vụ án được tòa án nhân dân các cấp xét xử, với những tình huống liên quan các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự an toàn giao thông, như: không đội nón bảo hiểm, điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, vượt tốc độ cho phép, chạy ngược chiều, chưa có giấy phép lái xe, có nồng độ cồn và các quy định về tội phạm hình sự …

Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Biên Thùy cho biết, phiên tòa giả định là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế tại nhiều địa phương. Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu hơn; từ đó giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật cho nhân dân.

Thực tế trong các vụ án xét xử vi phạm quy định về giao thông đường bộ, nguyên nhân phần lớn xuất phát từ lỗi chủ quan của các bị cáo. Mỗi phiên tòa sẽ là bài học đắt giá, lời cảnh tỉnh cho cả người vi phạm và những người tham gia giao thông.

Phát biểu tại chương trình, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, bộ tài liệu "Mô hình phiên tòa giả định" là tài liệu, công cụ hữu hiệu trong công tác tuyên truyền pháp luật, an toàn giao thông, có tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông.

Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các địa phương, các đơn vị tiếp tục nâng cao công tác tập huấn, để các học sinh có thể tự thực hiện được phiên tòa giả định. Qua đó, công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật cho các công dân trẻ, từng bước xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước.

Tin cùng chuyên mục