Dùng thuốc chữa bệnh để làm tăng trí nhớ - Coi chừng tiền mất tật mang

Thời gian qua, không ít học sinh đã sử dụng thuốc trị bệnh Alzheimer và Parkinson hoặc thuốc bổ, viên nang dưỡng não nhằm tăng trí nhớ bất chấp khuyến cáo việc lạm dụng thuốc này có thể gây ra những tác dụng phụ khó lường…

Thời gian qua, không ít học sinh đã sử dụng thuốc trị bệnh Alzheimer và Parkinson hoặc thuốc bổ, viên nang dưỡng não nhằm tăng trí nhớ bất chấp khuyến cáo việc lạm dụng thuốc này có thể gây ra những tác dụng phụ khó lường…

Không bệnh cũng uống thuốc

Sau bữa tối, trước khi bước vào bàn học, L.N.Liên học sinh Trường PTCS H.B (quận Bình Thạnh) lấy vỉ thuốc màu đen, bóc 2 viên thuốc có kích thước bằng chiếc khuy áo để uống. Thấy tôi thắc mắc, “không bệnh sao phải uống thuốc”, L.N.Liên thú nhận “sắp thi học sinh giỏi của trường nên em uống thuốc này để học bài nhanh thuộc”.

Tuy nhiên, L.N.Liên không biết tên thuốc là gì? Cũng theo L.N.Liên, nhiều học sinh cùng lớp em cũng sử dụng một số loại thuốc “tăng trí nhớ”.

Tại tiệm thuốc ở chợ dược phẩm trên đường Thành Thái (quận 10), khi vào vai người tìm mua thuốc làm cho trí óc tỉnh táo, cải thiện tuần hoàn máu, bồi bổ cơ thể… chúng tôi như lạc vào “mê hồn trận”. Các chủng loại đa dạng, từ dạng thực phẩm chức năng, thuốc bổ cho đến thuốc kê toa, từ êm dịu đến tác động mạnh, từ giá “bèo” đến cao cấp.

Nhân viên tiệm thuốc quảng cáo rằng, các loại thuốc có khả năng tăng trí nhớ giá rẻ như Glutaminol B6 với giá vài trăm đồng/viên, hoặc Pho-L, Hoạt huyết dưỡng não… giá từ 15.000 - 40.000 đồng/vỉ (tùy theo hàng nội hay ngoại). Hay loại thuốc nguồn gốc thảo dược Ginkgo Biloba với các tên biệt dược Takan, Tanakan, Superkan… giá cũng từ 1.500 đồng/viên đến 4.000 đồng/viên.

Đáng lưu ý là các loại thuốc hỗ trợ thần kinh cao cấp bán theo toa như: Piracetam, Arcaliotin, Citicholin, Piracetam, Duxil… giá tới 4.000 - 7.000 đồng/viên. Thậm chí nếu quen biết, có thể mua hàng xách tay loại thuốc Modafinil (thuốc dùng để trị bệnh Parkinson của Mỹ sản xuất với giá gần 2USD/viên) về uống để tăng trí nhớ.

Không chỉ có ở chợ, quầy thuốc mà gần đây người ta còn rao bán “thần dược trí nhớ” trên mạng hoặc qua điện thoại.

Không có thuốc “thông minh”

Trong y văn từng ghi nhận việc dùng các loại thuốc kích thích thần kinh kéo dài để tăng trí nhớ, làm cho thần kinh luôn hưng phấn và ức chế quá mức, lâu ngày có thể gây ra rối loạn hành vi, hoang tưởng, thậm chí gây ra tai biến… Điều đáng lo ngại nhiều phụ huynh, học sinh quan niệm đây là thuốc “tăng trí nhớ” nên không cần đi khám, không cần chỉ dẫn đơn kê của bác sĩ.

Hầu hết đều chỉ nghe người này người kia rỉ tai hoặc nghe tư vấn của “lang băm” nên lầm tưởng rằng, các loại thuốc bổ thần kinh dùng cho người già bị suy giảm trí nhớ, người bệnh sau khi bị tai biến mạch máu não… là thuốc “tăng trí nhớ” mà bỏ qua câu lưu ý “đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng”.

TS-DS Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y Dược TPHCM cảnh báo, “trước hết phải khẳng định, không có phương thuốc kỳ diệu nào tạo ra trí nhớ hay trí thông minh và chúng ta cũng biết rằng, thuốc là “con dao hai lưỡi”.

Một số loại như citicholin, piracefam, glyceryl, phosphorycholin, ginkgo biloba (tức hoạt chất lấy từ cây Bạch quả) là thuốc tăng cường hoạt động trí não, chỉ để điều trị chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi hoặc ở người chấn thương sọ não, không có tác dụng tăng cường trí nhớ cho người học thi.

Một số loại thuốc có tác động biến đổi tâm thần, có thể ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc… của các sĩ tử như loại thuốc êm dịu Seduxen có tác dụng an thần, giải tỏa căng thẳng, lo âu. Nhưng nếu lạm dụng, nó lại gây ra tác dụng không mong muốn rất tai hại như gây buồn ngủ và gây ra triệu chứng... quên.

Ngược lại, với loại tác động mạnh như Amphetamin kích thích đầu óc tỉnh táo, giúp chống lại cơn buồn ngủ khi ôn bài, nhưng nếu dùng thuốc kéo dài có thể làm chán ăn, sụt cân, tăng huyết áp… và gây nghiện.
 
TS-DS Nguyễn Hữu Đức cho rằng: Việc phải học thuộc lòng quá nhiều của các sĩ tử hiện nay cũng là nguyên nhân khiến học sinh lạm dụng các loại thuốc hỗ trợ. Nhưng các em không hiểu rằng, trí nhớ được quyết định bởi hai yếu tố bẩm sinh và rèn luyện. Việc ghi nhớ kiến thức phải trải qua quá trình tích lũy, chứ không phải dùng thuốc để ép kiến thức dung nạp vào đầu trong vài ngày, vài tuần được.

Việc dùng các loại thuốc kích thích thần kinh lâu ngày có thể gây rối loạn hành vi, hoang tưởng, thậm chí gây ra tai biến. Ngay cả các loại thuốc bổ tâm thần cao cấp, nếu dùng cho người khỏe mạnh thì cũng không có tác dụng nhiều và bị cơ thể đào thải, gây lãng phí và thậm chí còn phản tác dụng.

Để “dùi mài kinh sử” có hiệu quả, sĩ tử nên giữ gìn sức khỏe, tinh thần minh mẫn, vệ sinh tâm thần tạo hứng thú trong học tập, chú ý ăn uống đủ chất, học và nghỉ ngơi điều độ hiệu quả sẽ cao hơn là lạm dụng những loại thuốc tăng trí nhớ.

TIẾN ĐẠT

Làm gì để tăng trí nhớ?

Thời điểm mùa thi đã cận kề, trước những băn khoăn lo lắng của nhiều học sinh, sĩ tử về việc làm cách nào để có thể “Luyện trí nhớ” thật tốt? TS-DS Nguyễn Hữu Đức cho biết: Trí nhớ là hoạt động thần kinh, khả năng trí tuệ giữ gìn được những kinh nghiệm sống đã qua, để rồi tái hiện lại trong ý thức khi cần thiết. Đây là quá trình phức tạp gồm 3 giai đoạn: nhận biết, lưu trữ và tái hiện trong hoạt động trí não.

Để hoạt động thần kinh tốt, trí nhớ và sức khỏe tốt cần lưu ý đến chế độ ăn uống hàng ngày phải đầy đủ và cân bằng dưỡng chất gồm: đạm, béo, đường bột, vitamin và chất khoáng. Đối với các bạn trẻ đang học tập nhiều như đang lúc thi cử nên tăng cường sữa (uống ít nhất 1 ly/ngày), thịt, trứng, cá, rau quả.

Đặc biệt, nên dùng các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu đậu nành, dầu hướng dương để cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho hoạt động thần kinh.

Ngoài ra, cần phải lưu ý đến giấc ngủ, nghỉ ngơi đầy đủ, xen kẽ với vận động thể lực tốt và có phương pháp học tập, phương pháp tư duy hợp lý. Riêng đối với các bạn trẻ còn đi học, phương pháp học tập phải hợp lý. Để có trí nhớ tốt, cần tiếp thu từ từ, được lặp đi lặp lại, đúng phương pháp (biết chọn lọc điều cần nhớ, biết liên tưởng, xen kẽ học với thư giãn).

Vì vậy, nên học, ôn tập ngay từ đầu, có sự sắp xếp thời gian biểu hợp lý, tránh học dồn học nén. Cần lưu ý, hoạt động trí nhớ không chịu được sự thúc ép, bị áp lực bởi ngoại cảnh. Hiện nay có nhiều học sinh học tập sa sút, học trong tình trạng “quên đầu quên đuôi” thậm chí có biểu hiện rối loạn tâm thần chỉ vì bị áp lực của học tập một cách quá đáng.

Lưu ý, trà đậm, cà phê chỉ nên uống vào ban ngày đặc biệt là buổi sáng vì trong đó có chứa cafein. Nhưng không nên lạm dụng để thức thâu đêm suốt sáng vì khi buồn ngủ là khi cơ thể ta đã mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi. Dùng chất kích thích lúc này là đánh lừa khiến cơ thể hoạt động quá sức, dẫn đến sau giai đoạn dùng chất kích thích, cơ thể sẽ mỏi mệt nhiều hơn, trí óc không còn đủ sức nhớ những gì đã học.

Tai hại hơn là một số học sinh, sĩ tử lại cho rằng hút thuốc là cũng giúp họ tỉnh táo, thức khuya để học bài… bởi thuốc lá không chỉ có chất kích thích thần kinh mà còn chứa nhiều chất độc hại. Do đó tuyệt đối không nên sử dụng.

Các bậc phụ huynh nếu thấy con em mình có biểu hiện sa sút học tập một cách đáng ngại như “quên đầu quên đuôi”, đó có thể là biểu hiện của rối loạn tâm thần, nên đưa cháu đến bác sĩ để khám. Đừng nên mất thời gian tìm kiếm loại thuốc tăng cường trí nhớ mà khiến tiền mất tật mang.

THU LAN (ghi)

Tin cùng chuyên mục