Dừng triển khai mô hình trường học mới ở nơi chưa đủ điều kiện

Bộ GD-ĐT vừa có Công văn số 3459 gửi các Sở GD-ĐT về việc rà soát, đảm bảo các điều kiện thực hiện mô hình trường học mới.

Bộ GD-ĐT cho rằng, triển khai mô hình trường học mới (VNEN), nhiều địa phương, nhà trường đã tổ chức tốt phương thức dạy học lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm (mô hình trường học mới). Các trường chuẩn bị đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là năng lực của cán bộ quản lý và giáo viên, đã thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo phương thức dạy học mới một cách linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu quả tích cực.

Dừng triển khai mô hình trường học mới ở nơi chưa đủ điều kiện ảnh 1 Mô hình VNEN sẽ chỉ triển khai ở những nơi đủ điều kiện

Tuy nhiên, một số trường còn nhận thức chưa đúng về mô hình trường học mới (coi mô hình trường học mới là chương trình giáo dục mới); chưa chuẩn bị đầy đủ về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, tài liệu dạy học, điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học... nên triển khai thực hiện máy móc, rập khuôn. Việc tổ chức hoạt động học của học sinh còn hình thức, chưa hiệu quả. Một bộ phận học sinh không đạt được kết quả học tập mong muốn. Điều này khiến cho mô hình VNEN chưa tạo được sự đồng thuận của nhiều phụ huynh, gây bức xúc trong xã hội.

Vì vậy, để thực hiện phương thức dạy học lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm theo mô hình trường học đạt chất lượng và hiệu quả, Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở GD-ĐT thực hiện 3 nội dung.

Thứ nhất, các sở chỉ đạo các Phòng GD-ĐT, các trường tiểu học và THCS rà soát, đánh giá tình hình triển khai mô hình trường học mới tại địa phương. Việc đánh giá, rà soát cần căn cứ vào các điều kiện thực hiện để triển khai VNEN, cả về giáo viên và cán bộ quản lý; về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học (phải bảo đảm sỉ số lớp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; lớp THCS không quá 45 học sinh).

Bộ GD-ĐT nêu rõ, qua rà soát, nếu trường nào đủ điều kiện thì tiếp tục thực hiện; trường nào chưa đủ điều kiện thì chưa áp dụng hoàn toàn mô hình VNEN mà trước mắt chỉ lựa chọn một số thành tố của mô hình để bổ sung vào đổi mới phương pháp giáo dục đang thực hiện.

Thứ hai, các sở chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai mô hình trường học mới tại địa phương từ năm học 2017-2018. Theo đó, căn cứ vào kết quả rà soát điều kiện thực hiện VNEN, các sở chỉ đạo các phòng, các trường xây dựng kế hoạch áp dụng mô hình VNEN của nhà trường trong năm học 2017-2018 và những năm tiếp theo. Sở phải chịu trách nhiệm về chất lượng và hiệu quả thực hiện mô hình này trên cơ sở bảo đảm chất lượng giáo dục và tạo niềm tin cho xã hội.

Bộ GD-ĐT lưu ý, kế hoạch triển khai VNEN của quận, huyện phải được Sở GD-ĐT phê duyệt.

Thứ ba, tổ chức tốt công tác truyền thông để xã hội hiểu và đồng thuận; tăng cường tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý; chỉ đạo giám sát hỗ sợ việc áp dụng VNEN. Đồng thời, phải chấn chỉnh kịp thời các trường triển khai VNEN khi chưa đủ điều kiện.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết giáo dục tiểu học năm học 2016-2017, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận, nếu so với bộ chuẩn giáo viên mới Bộ đang xây dựng thì vẫn còn một bộ phận giáo viên hiện nay chưa đáp ứng được. Vẫn còn một bộ phận giáo viên bậc học mầm non, tiểu học, giáo viên ngoại ngữ chưa đáp ứng được các tiêu chí trong bộ chuẩn mới dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục ở một số địa phương chưa cao. Chuẩn cũ đặt nặng yêu cầu về năng lực chuyên môn, tuy nhiên về phương pháp, kỹ năng vẫn còn hạn chế.

“Tiêu biểu là trong mô hình trường học mới, giáo viên tuy tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn (theo chuẩn cũ) là rất cao nhưng về phương pháp dạy học, kỹ năng hướng dẫn, truyền đạt vẫn còn hạn chế do chưa được chuẩn bị, tập huấn kỹ lưỡng về phương pháp. Điều này dẫn đến tình trạng triển khai VNEN tràn lan, chất lượng chưa đảm bảo”, Bộ trưởng cho biết.

Dừng triển khai mô hình trường học mới ở nơi chưa đủ điều kiện ảnh 2 Một lớp học theo mô hình VNEN

Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được tổ chức và chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển. Mô hình này đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, sau khi triển khai mô hình này có rất nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì đa số giáo viên "than" gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện sống, nhu cầu của nhiều học sinh.

Thực tế vừa qua, sau thời gian triển khai, nhiều nơi đã quyết định dừng. Mới đây nhất, tỉnh Hà Tĩnh dừng triển khai mô hình VNEN ở bậc THCS, trở lại học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành từ năm học mới 2017-2018. Đối với bậc tiểu học, tỉnh Hà Tĩnh cũng không triển khai thêm các lớp học mới VNEN.

Mô hình trường học mới VNEN được triển khai tại một số cấp học ở Hà Tĩnh từ năm học 2012-2013. Nhiều trường nhận thấy mô hình có bất cập nên đề xuất xin bỏ mô hình và được chấp thuận như Trường THCS Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh), THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh). Tháng 7-2016, tỉnh Hà Tĩnh đã thông báo dừng triển khai đại trà mô hình trường học mới VNEN, chỉ tiếp tục triển khai ở những lớp, trường đã thí điểm trong các năm học trước, đồng thời yêu cầu Sở GD-ĐT kiểm điểm, rút kinh nghiệm với các cá nhân trong công tác tham mưu, triển khai đại trà mô hình này.

Tin cùng chuyên mục