Được gì từ cơn sốt “siêu to khổng lồ”?

Cô bé con của đồng nghiệp tôi mới 8 tuổi, nhưng dạo này đi đâu cũng sôi nổi với “siêu to khổng lồ”, cơn sốt của kênh Vlog Bà Tân (vốn chưa hạ nhiệt suốt thời gian qua). 

Đơn giản là những món ăn bình thường, nhưng được làm bằng những vật dụng to bất thường, kích cỡ sản phẩm làm ra cũng to không kém, kênh Vlog Bà Tân được trao nút vàng, nút bạc của YouTube và bắt đầu kiếm tiền được, khiến nhiều người ngạc nhiên về độ phủ sóng của Vlog kiểu này.

Theo dõi trào lưu Vlog từ những ngày đầu tới nay, tôi mới hay gu thưởng thức của người dân với Vlog đã thay đổi chóng mặt. Từ những Vlog ngồi nói chuyện lê thê của dàn trai xinh, gái đẹp thời kỳ đầu, nay Vlog “bình dân” hơn hẳn. Kèm theo đó, các bạn trẻ làm Vlog một thời đình đám nay cũng chuyển qua đóng phim, viết truyện, bán hàng online… Vậy người ta thích gì ở món “siêu to khổng lồ” ấy?

Nói thật, tôi cũng chẳng thích thú gì với dạng kênh Vlog này và xem thực chất cũng chỉ vì tò mò. Một phụ nữ cũng chưa mấy lớn tuổi, xưng hô bà với các cháu, nghe cứ chối chối sao ấy. Có chăng thấy vui vui, vì bà Tân quê mùa thật, kiểu nói ngọng hay cách nấu nướng còn mang kiểu chất phác.

Vậy thôi! Nhưng đến nay, các món “siêu to khổng lồ” của bà Tân vẫn chưa hạ nhiệt. Người xem để giải trí (tất nhiên rồi), có khi cũng vì tò mò, ...như tôi.

Kéo theo bà Tân là hàng loạt kênh chuyên về ẩm thực nhà làm khác, cũng hút người xem không kém. Nhiều kênh đầu tư hơn cho quay phim, tiếng động và cách thể hiện tình cảm hơn, khiến lượng người xem hầu như luôn ở mức cao.

Một số người xem comment (bình luận) ở dưới các bài đăng trên YouTube: “Xem thấy mẹ - bà mình trong đó”, “Làng quê Việt Nam sao mà đẹp lạ lùng”, hay “Món ăn cũng được, mẹ mình hay làm…”. Nhưng nếu chỉ có nhiêu đó mà thu hút được lượng người xem kỷ lục là chưa đủ.

Tôi được biết, nhiều trang Vlog hiện nay đầu tư thuộc hàng khủng từ trang thiết bị cho đến công nghệ và cả chiêu trò. Tôi không tin những lời của ê kíp thực hiện một số chương trình là “làm chỉ vì muốn người xem được sống trong khung cảnh làng quê của Việt Nam”, hay “muốn mọi người biết đến những món ăn quê mùa mà mẹ nuôi lớn mình”. Thời buổi này làm mà không có lời, thậm chí siêu lời, thì ai đi mở Vlog về ẩm thực chi cho cực.

Vấn đề là khi xu hướng của người xem thay đổi theo hướng “siêu to khổng lồ”, thì những kênh văn hóa giải trí khác trên nền tảng YouTube theo dạng học được, cảm được và có sự lan tỏa lại chẳng có bao nhiêu.

Con gái tôi 6 tuổi, cháu suốt ngày lên YouTube coi phim hoạt hình có sẵn, hết phim này lại ấn vào link bên cạnh coi tiếp. Tôi coi thử thì thấy toàn những dạng phim không biết làm ra để làm gì, nào là siêu nhân, người máy, miệng rộng chân to, huỳnh huỵch… nói nhăng cuội gì đó mà ở độ tuổi tiểu học, con trẻ chẳng hiểu gì, chỉ cười ngặt nghẽo mà thôi.

Tôi thử tìm kiếm các kênh “văn hóa, giáo dục cho trẻ” trên nền tảng YouTube, mới thấy nó mênh mông vô cùng. Nhưng kiếm mãi cũng chẳng thấy được mấy kênh phù hợp với độ tuổi con trẻ cần học kỹ năng thường thức hay đơn giản là giáo dục trẻ biết hiếu nghĩa, lễ phép với người lớn.

Vlog “siêu to khổng lồ” hay những kênh YouTube vô thưởng vô phạt khác, cha mẹ coi, con cái coi, chẳng sao cả. Mua vui cũng được một vài trống canh. Nhưng vui xong thì được gì?

Tin cùng chuyên mục