Được tố cáo qua điện thoại, thư điện tử, fax

Tố cáo phải có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng
Được tố cáo qua điện thoại, thư điện tử, fax

Sáng 18-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố cáo. Những vấn đề được các đại biểu (ĐB) tập trung thảo luận là về chủ thể có quyền tố cáo, trách nhiệm của người tố cáo, các hình thức tố cáo, tố cáo và giải quyết tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, bảo vệ người tố cáo...

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN

Tố cáo phải có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng

ĐB Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) cho rằng nên quy định chủ thể tố cáo là công dân như quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, bởi tố cáo là hành vi làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân. Tuy nhiên, ĐB Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cho rằng: “Có nhiều vụ việc một tập thể, một nhóm người bị vi phạm quyền lợi. Ví dụ như doanh nghiệp bị cán bộ thuế sách nhiễu hay công ty xả chất thải ô nhiễm ra môi trường đối với một làng, một xã... Nên mở rộng cả chủ thể là tổ chức đứng ra tố cáo thì sẽ phát huy được sức mạnh của tập thể, nhất là trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay”.

Các ý kiến cũng tập trung làm rõ việc có nên chấp nhận tố cáo nặc danh hay không. Theo quy định hiện hành, đơn thư tố cáo nặc danh không được xem xét giải quyết nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng tố cáo để tố cáo sai sự thật, không mang tính xây dựng gây mất đoàn kết nội bộ.

Vừa qua tình trạng tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo thường xảy ra nhiều ở những thời điểm chuẩn bị đại hội, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí cán bộ. Điều đó đã gây nên sự phức tạp và khó khăn cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét giải quyết tố cáo. Nhưng cũng có những trường hợp người tố cáo sợ bị trù dập, trả thù nên chọn cách tố cáo nặc danh.

Về vấn đề bảo vệ người tố cáo, đây là một điểm mới mà Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành chưa đề cập cụ thể.

Nhiều ĐB đồng tình luật phải quy định điều này nhằm giúp người tố cáo tin tưởng vào sự đúng đắn, công minh của pháp luật, giúp họ quan tâm và mạnh dạn phản ánh những việc làm sai trái của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, góp phần hạn chế đơn thư tố cáo nặc danh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những quy định về bảo vệ người tố cáo được nêu trong dự thảo luật còn rất chung chung, mang tính nguyên tắc và thiếu cơ chế áp dụng trong thực tiễn. “Cần có những quy định chặt chẽ và chi tiết hơn, đặc biệt là cần xác định rõ cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ trình tự thủ tục, thời hạn bảo vệ người tố cáo. Về thứ tự ưu tiên, cần ưu tiên bảo vệ tính mạng, tài sản của người tố cáo, cần thiết có thể bảo vệ cả người thân của họ.

Đồng thời cũng cần quy định việc bảo vệ quyền lợi về chính trị, kinh tế, việc làm, uy tín của người tố cáo. Ngoài ra, luật cũng cần bổ sung cơ chế, biện pháp bảo vệ cả những người bị tố cáo, đảm bảo khôi phục danh dự, quyền và lợi ích của họ trong trường hợp bị tố cáo sai”, ĐB Nguyễn Thị Sáng nói.

Vấn đề xử lý hành vi vi phạm đối với các đối tượng tố cáo cũng được ĐB quan tâm. Dự thảo luật quy định xử lý vi phạm đối với người tố cáo sai sự thật. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2010, trong 6.681 vụ việc tố cáo thì có 912 tố cáo đúng (chỉ chiếm 13,3%); 1.945 tố cáo có đúng, có sai (bằng 28,6%); 4.025 tố cáo sai (58,5%).

Các ĐB cho rằng, nếu cá nhân, tổ chức bị tố cáo sai ở mức độ nhẹ thì chưa có thiệt hại gì nhưng nếu gây ra những hậu quả nghiêm trọng cần phải có hình thức xử lý đối với người tố cáo sai. Vì vậy, Luật Tố cáo cần phải quy định cụ thể trách nhiệm pháp luật của người tố cáo sai sự thật ở mức độ nhẹ thì xử lý hành chính, nghiêm trọng hơn thì truy tố trước pháp luật về tội vu khống.

Dự thảo luật đưa ra các hình thức tố cáo (trực tiếp, gửi đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo, tố cáo qua điện thoại, thư điện tử, fax...). Việc mở rộng hơn hình thức tố cáo được các ĐB đồng tình. Tuy nhiên để đảm bảo tính khách quan và đề cao trách nhiệm của công dân khi sử dụng các hình thức tố cáo trên và tránh việc lợi dụng tố cáo để tố cáo sai sự thật, vu cáo, bôi nhọ, hạ thấp nhân phẩm, uy tín và danh dự của người khác vì động cơ cá nhân, các ĐB cho rằng cần có những quy định chặt chẽ và có các chế tài cụ thể đối với các hình thức tố cáo mới này.

Chốt vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, không nên xem xét đơn thư tố cáo nặc danh. Trường hợp đơn thư tố cáo trong đó có nội dung rõ ràng, có tài liệu chứng cứ, có địa chỉ có thể coi như một thông tin để phục vụ cho các cơ quan nghiên cứu tham khảo. Ông cũng cho rằng, bảo vệ người tố cáo là việc phải làm, luật cần quy định rõ ràng hơn nữa.

Dự thảo Luật Đo lường: Thiếu hơi thở cuộc sống

Thảo luận về dự án Luật Đo lường chiều qua 18-11, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất về sự cần thiết ban hành luật nhưng cho rằng dự luật còn chung chung, ít tính khả thi.

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nhận xét, mỗi địa phương chỉ có 2 - 5 thanh tra viên về khoa học công nghệ, thường tiến hành thanh tra định kỳ có báo trước thì khó lòng phát hiện sai phạm, trong khi các dạng vi phạm thì ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. ĐB đề nghị tăng nặng các chế tài xử phạt, “tùy tính chất mức độ sai phạm, có thể truy cứu hình sự, tịch thu phương tiện vi phạm”.

Phát biểu sau đó, có ý kiến ĐB đề nghị, để đảm bảo sự tương thích với Luật Bảo vệ người tiêu dùng, có thể áp dụng quy định xử phạt gấp 7 lần giá trị vi phạm nhân với thời gian xác định có vi phạm.

Theo ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau), dự luật nặng về quy định đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời đi khá sâu vào một số lĩnh vực chuyên ngành (như các phép đo trong khoa học vũ trụ, hóa học…) nhưng lại nhẹ xét về phương diện giải quyết các vấn đề đang phát sinh trong cuộc sống hàng ngày. “Viết thế này chưa cụ thể, rành mạch và không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nếu tôi là người tiêu dùng, đọc xong tôi cũng chả biết có thiệt hại quyền lợi (về đo lường – PV) thì đến đâu, được xử lý thế nào”, ông bình luận.

Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nhận định, đây là một luật rất thiết thân với người dân nhưng lại khó đọc, khó hiểu; thiếu hơi thở cuộc sống.

Trong khi đó, ĐB Võ Thị Dễ, Nguyễn Minh Thuyết có cùng yêu cầu xử lý nghiêm theo hướng tịch thu những hàng hóa đóng gói sẵn có vi phạm về đo lường. Đặc biệt, bà Võ Thị Dễ lưu ý đến những phép đo liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người và yêu cầu dự luật quy định các phương tiện đo lường trong y dược thuộc diện bắt buộc phải kiểm định định kỳ…

Phát biểu tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đề nghị Ban soạn thảo luật cụ thể hóa những nội dung về quản lý nhà nước, nêu rõ địa chỉ trách nhiệm trong từng khâu của hoạt động đo lường, chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa công tác kiểm định thiết bị đo lường…

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Hoàng Văn Phong công nhận, cấu trúc của dự thảo luật chưa thật chặt chẽ, cách thức thể hiện còn chưa rõ ràng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, hợp tác chặt chẽ với UB KH-CN-MT của QH để chỉnh lý, hoàn thiện dự luật, trình QH trong kỳ họp sau”, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cam kết.

Phan Thảo - A.Thư

Tin cùng chuyên mục