Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu trong việc phát triển các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN), góp phần rất lớn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, biến các vùng đất nông nghiệp lạc hậu thành những KCN trù phú, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Từ đây, TPHCM đã có một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân lành nghề được đào tạo; nhiều công nghệ mới được chuyển giao, rút ngắn khoảng cách trình độ cho ngành công nghiệp Việt Nam so với thế giới.
Minh chứng cho điều này, KCX Tân Thuận ra đời từ năm 1991 trên vùng đất lầy lội, sau hơn 23 năm hình thành và phát triển, KCX này đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của TPHCM, với hơn 150 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút tổng vốn đầu tư trên 1,1 tỷ USD vốn nước ngoài và 3.026 tỷ đồng vốn trong nước. Sự ra đời của KCX này đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của hàng loạt KCX-KCN tại các quận 2, 7, 12, Tân Bình, Bình Tân, Thủ Đức, các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, biến những vùng đất nông thôn ngoại thành giá trị thấp thành những khu sản xuất công nghiệp trù phú… Đơn cử như huyện Nhà Bè, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2000 chỉ 10.525 triệu đồng thì đến năm 2006 đạt 66.109 triệu đồng, tăng gấp 6,3 lần; năm 2010 đạt 144.163 triệu đồng, tăng gấp 13 lần so với năm 2000, là nhờ vào KCN cảng Hiệp Phước.
Hiện trên địa bàn TPHCM, có 3 KCX và 12 KCN với tổng diện tích trên 3.521,37 ha, thu hút vốn đầu tư trên 10.686 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài là 6.735 tỷ USD, vốn đầu tư trong nước là 3.951 tỷ USD. Tổng số lao động làm việc tại các KCX-KCN trên 280.000 công nhân. Hiệu quả thu hút vốn đầu tư tại KCX-KCN với 1 ha đạt khoảng 6,5 triệu USD, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động, nộp ngân sách 725 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, phát triển “nóng” hàng loạt KCX-KCN đang gây ra nhiều hệ lụy, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng xã hội quá tải. Bên cạnh đó, áp lực lao động nhập cư dẫn đến quá tải về nhu cầu nhà ở cũng như trường học cho con em công nhân. Chính vì thiếu nhà ở, mà hàng loạt khu nhà không phép mọc lên ở gần những KCX-KCN do công nhân mua đất xây dựng “chui”. Điều này dễ dàng nhìn thấy tại các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, quận Thủ Đức...
Điều đáng lo ngại nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường. Mặc dù 14 KCX-KCN đã được xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng hệ thống kết nối không đồng bộ, dẫn đến hiệu quả xử lý không cao. Nhiều KCN tuy đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng thực chất lại không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, mang tính đối phó khi bị cơ quan chức năng kiểm tra. Không chỉ phát sinh nước thải gây ô nhiễm, các KCN còn gây ô nhiễm không khí từ nguồn khí thải và gây ô nhiễm đất từ lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại không được thu gom, xử lý. Ô nhiễm khí thải chủ yếu đến từ các nhà máy cũ, sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc chưa xây dựng hệ thống xử lý khí thải. Điển hình là KCN Lê Minh Xuân. Tại đây, khi các nhà máy hoạt động, khói bụi và mùi hôi bốc ra nồng nặc.
Đã hơn hai thập kỷ, TP theo đuổi mô hình phát triển KCX-KCN, nhưng xem ra TP vẫn còn lúng túng trong việc xác định loại hình, nguồn vốn đầu tư hạ tầng, dẫn đến không tuân thủ chuẩn chung về hạ tầng cơ sở, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước. Chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào về các sai phạm diễn ra trong KCX- KCN liên quan đến kết cấu hạ tầng? Liệu hình thức đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước như thời gian qua rồi cho thuê có còn phù hợp và hấp dẫn nhà đầu tư?
Trước thực trạng trên, TPHCM đang tiến hành rà soát lại toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động để xây dựng kế hoạch chuyển dịch cơ cấu lại. Thời gian tới, ngoài việc khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, TP định hướng chỉ thu hút nhà đầu tư có sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ sạch. Đó là bước đi cần thiết, nhất là khi thời gian tới TPHCM có 7 KCN dự kiến thành lập mới, chưa kể 4 KCN dự kiến mở rộng. Đã đến lúc phải tổng rà soát, cơ cấu lại để giảm dần những bất cập quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, hướng đến và phát triển những cái “được”, đó là thu hút các ngành công nghệ cao, các ngành mũi nhọn theo định hướng điện - điện tử, hóa chất, cơ khí, chế biến tinh lương thực - thực phẩm, tạo động lực vững chắc cho phát triển công nghiệp TPHCM.
QUỐC HÙNG