Đường 20 Quyết Thắng

LTS: Ngay khi mục “Mỗi kỳ một địa danh” trên chuyên trang Trường Sơn hôm nay ra mắt, chúng tôi đã nhận được khá nhiều thư từ của bạn đọc đóng góp ý kiến, bài vở. Trong số này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết về Đường 20 Quyết Thắng của Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Đoàn 559, hiện là Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Trường Sơn TPHCM.

Năm 1965 đường vận chuyển bằng ô tô của Đoàn 559 bị ngập lụt nghiêm trọng tại đoạn qua túi nước Xiêng Phan; từ Pắc Pha Năng tới bản Na Nô - Na Nhom có chỗ ngập tới 6m, có lúc kẹt lại hàng trăm xe. Bộ Tư lệnh 559 (BTL 559) quyết định phải mở con đường tránh túi nước Xiêng Phan.

Qua nghiên cứu trên bản đồ và tham khảo ý kiến của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Bình, BTL 559 quyết định chọn tuyến đi từ thôn Phong Nha huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình vượt qua dãy Trường Sơn sang phía Tây tới cánh đồng Lùm Bùm (nằm trên tả ngạn Noong Cà Đen) nối vào đường 128, đi xuống Đường 9.

Lực lượng khảo sát chia làm hai mũi. Mũi từ Phong Nha tiến sang phía Tây do đồng chí Nam Hải, nguyên Viện trưởng Thiết kế Bộ GTVT phụ trách, còn mũi hướng Tây sang do đồng chí Phan Trầm phụ trách. Dựa trên kết quả khảo sát, BTL 559 quyết định tuyến đi từ Phong Nha - Ba Thang - U Bò - Cà Roòng, có 40km phải phá 1 triệu m³ đá. Biện pháp thi công chủ yếu là đánh bộc phá nhỏ liên tục để tránh phá hủy nhiều cây cối.

Ngày 30 Tết Bính Ngọ (1966), đồng chí Tường Lân, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Phó Tư lệnh Đoàn 559 phát lệnh khởi công chiến dịch mở đường mang tên “chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Sau 77 ngày đêm lao động khẩn trương, hai mũi gặp nhau tại đỉnh Trường Sơn - km65 vào ngày 14-4-1966. Các đơn vị công binh, Thanh niên xung phong tiếp tục sửa chữa hoàn chỉnh, tới ngày 31-5-1966 mới thực sự thông tuyến với chiều dài toàn tuyến 125km.

Thấy vai trò quan trọng của Đường 20 trong hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, địch tập trung đánh phá ác liệt, đặc biệt trọng điểm ATP (tên viết tắt của cua chữ A, ngầm Tà Lê, đỉnh Phu La Nhích). Bộ đội ta mở tiếp các đường 20B, 20C, 20D, đường kín cho xe chạy ngày, nên địch không thể ngăn chặn được. Đường 20 trở thành tuyến vượt Trường Sơn trọng yếu chi viện cho chiến trường miền Nam.

Binh trạm 14 được giao nhiệm vụ quản lý đường 20. Mùa khô 1967 - 1968, khối lượng chi viện cho chiến trường của Binh trạm 14 gấp hai lần năm 1966 - 1967, phục vụ chiến dịch Khe Sanh, được Bác Hồ tặng lẵng hoa. Đường 20 được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng danh hiệu “Đường 20 Quyết Thắng”.

Do thành tích đặc biệt xuất sắc của Binh trạm 14 - Đường 20 trong 7 năm, từ 1966 đến 1973, có 8 tập thể và 8 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, gồm: Binh trạm 14, Trung đoàn Cao xạ 224, Tiểu đoàn Công binh 33, Tiểu đoàn Cao xạ 14, Đại đội 1 tiểu đoàn 52 xe, Tiểu đoàn xe 781, Đội 25 Thanh niên xung phong, Đội cầu 10 và các chiến sĩ: Vũ Tiền Đề, Khúc Văn Lượng, Kim Ngọc Quảng, Nguyễn Phong Lưu, Nguyễn Thị Nhạ, Phùng Văn Lưu, Ngô Xuân Quảng, Nguyễn Văn Tửu.

Từ ngày 13 đến 15-3-1973, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên tháp tùng Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi khảo sát đường Trường Sơn từ Đường 9, theo Đường 24 ra Đường 20, qua liên hoàn trọng điểm: Chà Là, Phu La Nhích, Tà Lê, Cua chữ A, dốc 68, Chà Ang.

Thăm và nói chuyện với bộ đội và Thanh niên xung phong đường 20, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động biểu dương: “Đường 20 Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và Thanh niên xung phong làm nên”.

Sau giải phóng, do nằm ở địa bàn vùng cao hẻo lánh, dân cư thưa thớt nên Đường 20 Quyết Thắng gần như bị bỏ quên. Tỉnh Quảng Bình chỉ đầu tư xây dựng và sửa chữa một đoạn từ Km số 0 đến Km số 16, nơi có di tích lịch sử hang Tám Cô.

Đầu tháng 3-2011 vừa qua, dự án nâng cấp mở rộng đường 20 (từ Km số 0 đến Km 61) đã khởi công. Sau khi dự án này hoàn thành, Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP dự kiến sẽ xây dựng một ngôi đền liệt sĩ mang tên ATP tại đây.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy

Tin cùng chuyên mục