Đường bộ phía Nam: Bao giờ nhanh, nhiều, chất lượng?

Những ngày đầu năm mới, bánh chưng, bánh tét, lời cung chúc tân xuân vẫn còn vương vấn thì lịch trình của Thủ tướng Phạm Minh Chính dày đặc với việc kiểm tra thực tế hàng loạt dự án giao thông từ Bắc vào Nam.
Đường bộ phía Nam: Bao giờ nhanh, nhiều, chất lượng?

Mùng 4, Thủ tướng và đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; mùng 5 có mặt tại dự án xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm; mùng 6 thực địa dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; mùng 7 động viên công nhân đang thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa; mùng 8 đến công trường dự án sân bay Long Thành; mùng 9 thăm các công trình ở miền Tây Nam bộ…

Xuôi dọc Bắc - Nam, đôn đốc thi công những dự án giao thông trọng điểm đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ. Điều này cũng dễ hiểu, khi dân số đất nước ta bước vào ngưỡng 100 triệu dân, GDP của nền kinh tế vượt ngưỡng 400 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực ASEAN. Số dân tăng, nền kinh tế tăng tốc mạnh mẽ nhưng hệ thống giao thông lại phát triển chậm chạp, trở thành rào cản nghiêm trọng đến sự vươn lên của quốc gia.

Chẳng nói đâu xa, mùng 7 tết, hòa trong dòng người trở lại TPHCM bằng đường bộ, chúng tôi phải trải qua hành trình 18 tiếng đồng hồ với chặng đường chưa tới 700km, trên quốc lộ 1A. Đó là nơi bận rộn nhất những ngày trước và sau tết! Những dòng ô tô, hầu hết biển số TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương; xe khách chạy từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung vào Nam; cùng rất nhiều xe gắn máy chở vali, ba lô căng dày... tất cả nối đuôi nhau, lấn nhau mà chạy, kéo dài rồng rắn hàng kilômét. Xe khách lấn ô tô con, ô tô con lấn xe khách, ô tô lấn xe gắn máy, xe gắn máy lấn làn đường ô tô, giành nhau từng chỗ trống để vọt lên phía trước. Có chen lấn cũng vô ích. Dù biển báo tốc độ cho phép tối đa 90km/h hoặc có đoạn nội thị cho phép 60km/h, nhưng tốc độ trung bình chỉ đạt 40km/h! Đó là chưa nói, hành trình bị chậm lại, giao thông trở nên hỗn loạn vì công trình cầu đường thi công dang dở (Vật vã về lại TPHCM bằng đường bộ, SGGP 28-1). Tình trạng này như trở thành điệp khúc hàng năm, đến hẹn lại lên!

Rõ ràng, với quốc lộ 1A độc đạo, nếu không “trân mình” chịu đựng thì đi bằng đường nào, trong khi không có nhiều lựa chọn: xe lửa không dễ mua được vé; các chuyến bay từ Quy Nhơn, Tuy Hòa, Chu Lai, Pleiku… gần như không còn vé từ mùng 3 đến mùng 8 tết.

Một sự thật hiển nhiên, TPHCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vô cùng “rộng bụng”, bảo bọc cho biết bao người con ở mọi miền đất nước đến đây lập nghiệp. Nhờ đó, nền kinh tế của khu vực đã đóng góp gần 50% cho ngân sách cả nước. Thế nhưng, hệ thống giao thông từ khu vực này kết nối đến các vùng miền gần như là những tuyến đường quá đỗi quen thuộc, “già nua” hình thành từ nhiều năm trước.

Trong bối cảnh này, việc đầu tư giao thông là cực kỳ cấp bách: gấp rút hoàn thành cao tốc Bắc - Nam, nâng cấp quốc lộ 1A là việc phải làm, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải triển khai sớm, những tuyến đường vành đai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần hẳn một cơ chế đặc biệt để bắt tay thi công ngay.

Điều quan trọng là làm nhanh nhưng phải đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn, tuyến quốc lộ 1A từ Bình Định đi Phú Yên, lâu nay bị “mang tiếng” vì kém chất lượng, “hang ổ” trên mặt đường, rồi dặm vá sơ sài, khiến việc lưu thông hết sức khó khăn. Tình trạng này xảy ra nhiều năm, khiến dư luận bức xúc, nghi ngờ. Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra, kiểm toán hoặc giao cơ quan điều tra vào cuộc, làm rõ sự việc.

Vừa triển khai nhanh các dự án giao thông, vừa đảm bảo chất lượng chính là đòn bẩy để tạo xung lực phát triển cho nền kinh tế, đáp ứng mong mỏi của người dân.

Tin cùng chuyên mục