Đường chiến lược 22

Trong chiến tranh chống Mỹ, cùng với các tuyến đường chiến lược 15A, 21, 70, 8A… tuyến đường 22 chạy qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại) cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nối liền giao thông huyết mạch Bắc - Nam, đảm bảo chi viện kịp thời, hiệu quả cho chiến trường lớn miền Nam.

Năm 1965, nhằm cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ thực hiện kế hoạch leo thang đánh phá ác liệt ra miền Bắc nước ta. Trong đó, vùng giáp ranh Hà Tĩnh, Quảng Bình được xác định là địa bàn rất khốc liệt. Để đảm bảo đưa quân và vận chuyển vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm vào chiến trường miền Nam an toàn, kịp thời, đồng thời giảm thiểu mức độ ác liệt tại các cứ điểm trọng yếu của ta trên tuyến đường 15A, 21, 70, 8A, đường Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, bến phà Địa Lợi… đặc biệt là để “chia lửa” cho tuyến quốc lộ 1A qua Hà Tĩnh, Trung ương quyết định xây dựng thêm một tuyến đường chiến lược huyết mạch mới, đó là đường 22 chạy song song với đường 21.

Khoảng đầu tháng 10-1965, hàng ngàn cán bộ, bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đội thanh niên xung phong (TNXP) 53, TNXP các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Công ty Đường bộ 4 - Bộ GTVT, Cục Công trình 1, Xí nghiệp gạch ngói Cẩm Thành… đã được huy động về vùng đại ngàn phía Tây - Nam của tỉnh Hà Tĩnh, ngày đêm bám trụ san đất, đá, sỏi, chặt cây rừng, bắc cầu qua khe, ngầm suối sâu, quyết tâm mở đường chiến lược 22 theo kế hoạch.

Đến cuối 1970 đầu năm 1971, tuyến đường chiến lược 22 cơ bản hoàn thành thông suốt, đảm bảo cho hàng ngàn lượt xe vận tải, quân đội của ta vào tiền tuyến an toàn. Đường có điểm bắt đầu từ kilômét 18+600 tại Ngã ba Thình Thình (giao nhau với đường chiến lược 21), thuộc xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà đi vòng qua vùng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) rồi chạy qua các xã Kỳ Tây, Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh), sau đó kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Đặc biệt, trên tuyến đường 22 còn có một sân bay dã chiến Libi rộng hàng chục hécta, nhưng gần đến ngày khánh thành thì bị Mỹ phát hiện dội mưa bom B52 phá tan hoang, cho đến nay sân bay chỉ còn lại một bãi đất trống và một phần đã nằm gọn trong lòng hồ Kẻ Gỗ.

Ông Võ Tá Lý, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh (nguyên Đội phó Thường trực Đội N53-P18 TNXP Hà Tĩnh) cho biết, những địa danh trên tuyến đường chiến lược 22, như ngầm Rào Cời, Rào Cái, Ngã ba Kỳ Lâm, sân bay dã chiến Libi, ngầm Rào Môn, Cây Mít, Cây Gạo, Ba Lòi… đã đi vào lịch sử kháng chiến của dân tộc, nơi đây bị không lực Hoa Kỳ biến thành “chảo lửa”, “túi đựng bom”… cày xới tan nát, hàng trăm bộ đội, TNXP của ta bị hy sinh không tìm được thi thể…

Sau năm 1975, tuyến đường chiến lược 22 dường như bị lãng quên. Hiện chỉ còn đoạn từ Ngã ba Kỳ Lâm đi vào Quảng Bình, tuy khá nguyên vẹn nhưng cũng bị cây rừng phủ kín heo hút.

Trong hai năm 2006-2007, lực lượng TNXP Đội 40 Hà Nội đã về Hà Tĩnh xây dựng tại Ngã ba Kỳ Lâm một tượng đài ghi danh, tưởng nhớ những TNXP đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trên tuyến đường 22 máu lửa này.

Dương Quang

Tin cùng chuyên mục