Đường đến thung lũng hoa vàng

Vũ Duy Thức ghi dấu ấn tại Trường ĐH Stanford (Mỹ), một trong những trường ĐH hàng đầu thế giới, khi trở thành tiến sĩ người Việt trẻ nhất chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo. Nhưng đó chỉ là điểm khởi đầu để chàng trai 28 tuổi chinh phục Thung lũng Silicon với những đồi hoa vàng tuyệt đẹp. Khi vừa đặt chân vào “thiên đường” công nghệ thông tin (CNTT) của thế giới, công ty do Thức đồng sáng lập trở thành đơn vị đầu tiên nhận được tài trợ 5 triệu USD của Quỹ đầu tư Kleiner Perkins Caufield & Byers phát triển lĩnh vực mạng xã hội. 
Đường đến thung lũng hoa vàng

Vũ Duy Thức ghi dấu ấn tại Trường ĐH Stanford (Mỹ), một trong những trường ĐH hàng đầu thế giới, khi trở thành tiến sĩ người Việt trẻ nhất chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo. Nhưng đó chỉ là điểm khởi đầu để chàng trai 28 tuổi chinh phục Thung lũng Silicon với những đồi hoa vàng tuyệt đẹp. Khi vừa đặt chân vào “thiên đường” công nghệ thông tin (CNTT) của thế giới, công ty do Thức đồng sáng lập trở thành đơn vị đầu tiên nhận được tài trợ 5 triệu USD của Quỹ đầu tư Kleiner Perkins Caufield & Byers phát triển lĩnh vực mạng xã hội. 

Vẫy vùng nơi biển lớn

Không ít người cho rằng, ngoài tư chất thông minh, Vũ Duy Thức có quá nhiều yếu tố hậu thuẫn để thành công: nền tảng gia đình tốt, quan tâm đầu tư môi trường học tập tốt nhất… Thức không phủ nhận những thuận lợi mà ngược lại tận dụng tốt thiên thời địa lợi để tạo nên những bước đột phá.

Con đường trở thành nhà khoa học không hẳn chỉ có hoa hồng, vẫn có những đoạn đường khúc khuỷu mà Thức phải vượt qua bằng nghị lực và niềm đam mê. Sau khi giành giải nhất học sinh giỏi tin học quốc gia, cậu học trò lớp 11 Trường THPT Năng khiếu TPHCM Vũ Duy Thức khiến nhiều người giật mình khi quyết định khăn gói sang Mỹ du học mà không chờ suất học bổng từ cuộc thi.

“Món” ngoại ngữ là thứ khó kham nhất. Sang “miền đất hứa”, Thức bị sốc khi “chúng bạn nói gì mình hoàn toàn không hiểu trong suốt nhiều tuần đầu”. Bản tính không chấp nhận thua cuộc buộc Thức xắn tay áo lên học tiếng Anh, ban đầu là tập nghe để hiểu rồi học nói sao cho lưu loát. Nhưng, với một cậu bé luôn được bố mẹ chăm chút đột ngột phải sống tự lập, học tập nơi cách gia đình đến nửa vòng trái đất, khó khăn đâu chỉ là khoảng cách ngôn ngữ.

“Cái khó nhất khi bị ném vào một môi trường tự do rộng lớn, bạn phải học cách tự bơi giỏi, nghĩa là rèn cho mình tính tự lập trong cuộc sống. Ý thức học tập cao độ, lập cho mình kế hoạch phù hợp nhất trong ngồn ngộn kiến thức bao la”, Thức nhớ lại.

Vũ Duy Thức trong lễ nhận bằng Tiến sĩ tại ĐH Stanford (Mỹ)

Vũ Duy Thức trong lễ nhận bằng Tiến sĩ tại ĐH Stanford (Mỹ)

Nơi lui tới nhiều nhất của Thức lúc đó không phải là ký túc xá, tụ điểm vui chơi mà là phòng học, thư viện. Vật bất ly thân là chiếc máy tính. Học một mình chưa đủ, Thức lại tìm bạn học nhóm hoặc tìm giảng viên trao đổi… Thức có sở thích “lạ lùng” là lấy việc học làm niềm vui. Thức có thể vừa ngồi giải toán vừa nghe nhạc mà không hề bị ảnh hưởng. Dù ngày mai lên lớp không có giờ học toán, Thức cũng cố tìm bài toán khó để giải bằng nhiều cách… Kết quả của những ngày học ngày đêm chính là chiếc kính cận của Thức mỗi ngày một dày thêm và song hành là kiến thức.

Nhanh chóng bắt nhịp, Vũ Duy Thức bắt đầu làm cho sinh viên nước Mỹ giật mình khi liên tục giành giải nhất Tin học Olympic Mỹ mở rộng và giải nhất Tin học quốc tế mùa xuân Mỹ mở rộng 2001. Đó là bàn đạp giúp Thức bước vào ngôi trường ĐH Canergie Mellon (CMU) hàng đầu về lĩnh vực CNTT, mở ra một môi trường nghiên cứu lý tưởng cho chàng sinh viên người Việt vẫy vùng.

Từ năm đầu tiên, Thức cùng các giáo sư tại đây nghiên cứu ra những công trình xuất sắc về trí thông minh nhân tạo thuộc lĩnh vực CNTT để vinh dự trở thành đại biểu trẻ nhất được mời báo cáo tại các hội nghị quốc tế lĩnh vực này. Thức sở hữu tư chất thông minh và “cái đầu luôn nghĩ ra lắm sáng kiến” như bạn bè vẫn nói.

Trong vòng 3 năm, Thức giải quyết xong chương trình cử nhân chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo và hoàn thành thêm chuyên ngành phụ là cử nhân toán với điểm số tuyệt đối tất cả các môn. Một lần nữa, Vũ Duy Thức làm cho sinh viên của gần 4.000 trường đại học, học viện trên đất Mỹ và Canada “ngả mũ” khi trở thành sinh viên người Việt đầu tiên đoạt Giải thưởng sinh viên ưu tú nhất vùng Bắc Mỹ năm 2004. Và đó cũng là lần đầu tiên một trường đại học lớn như CMU có sinh viên đoạt giải thưởng này. Cũng trong năm đó, Thức được mời gia nhập Hiệp hội Phi Beta Kappa - Hiệp hội học thuật lâu đời và danh tiếng nhất nước Mỹ, nơi quy tụ các thành viên xuất sắc nhất trên mọi lĩnh vực.

Vấn đề nan giải bắt đầu xuất hiện khi có đến 7 trường ĐH danh tiếng như MIT, Stanford, Carnegie Mellon, Berkeley, USC, Washington, Massachusetts Amherst đồng ý cấp học bổng nghiên cứu tiến sĩ cho Thức. Chọn trường nào và bỏ trường nào khi cả 7 trường đều là những tên tuổi lừng lẫy? Một chàng thanh niên 22 tuổi đang đứng trước bước ngoặt lớn phải lựa chọn, tiến thân trên con đường nghiên cứu thuần chất hay nghiên cứu ứng dụng?

Khẳng định trí tuệ Việt

Trường đại học có khuôn viên lớn nhất nước Mỹ đã chiến thắng vì phù hợp với con đường nghiên cứu thiên về ứng dụng mà Thức chọn. Thức quyết định đầu quân về ĐH Stanford, chiếc nôi đào tạo ra những “cha đẻ” của Google, Yahoo… và đây cũng là nơi nắm giữ tinh thần đổi mới công nghệ của Thung lũng Silicon. Nghiên cứu sinh Vũ Duy Thức ý thức rất rõ việc phải lập ra những mục tiêu cụ thể, định hướng đúng đắn để nghiên cứu. Nhưng một đề tài không có kết quả, lại một đề tài nữa “bí” lối ra.

Những đêm thức trắng bên chiếc máy tính và mớ tài liệu bao la, Thức có cảm giác mình “lạc đường”, muốn đi làm cho xong để còn lo cho gia đình hơn là đeo đuổi một con đường dài tít tắp. “Con muốn bỏ cuộc? không sao, bố mẹ luôn ủng hộ những gì con thấy đúng. Nhưng con hãy trả lời câu hỏi con đam mê điều gì và có từ bỏ nó được không?” - Câu nói của bố đã dựng lại tinh thần không lùi bước của Thức, anh nỗ lực cho niềm đam mê của mình, miệt mài ngày đêm với đề tài thứ 3. Lần này anh đã chiến thắng và ghi dấu ấn của vị tiến sĩ người Việt trẻ nhất.

Vẫn nụ cười hiền của cậu học trò năm xưa, TS Vũ Duy Thức chia sẻ: “Lúc nhỏ tôi cũng có một chút năng khiếu về toán, có thể nói TS Nguyễn Thanh Hùng (hiện nay là Hiệu phó Trường THPT Năng khiếu) là người truyền lửa cho tôi niềm đam mê với tin học. Thầy dạy cho tôi thích những câu lệnh khô khan nhưng giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp, tạo nền tảng về toán - tin để tôi vững bước trên đất Mỹ”.

TS Vũ Duy Thức (thứ hai từ trái qua) tại buổi họp báo công bố quyết định tài trợ của Quỹ đầu tư Kleiner Perkins Caufield & Byers

TS Vũ Duy Thức (thứ hai từ trái qua) tại buổi họp báo công bố quyết định tài trợ của Quỹ đầu tư Kleiner Perkins Caufield & Byers

Thức cùng 2 cộng sự tại Stanford sáng lập ra công ty Cafebots chuyên phát triển lĩnh vực mạng xã hội. Khởi đầu với câu hỏi làm sao giúp người tham gia mạng xã hội facebook quản lý các mối quan hệ bạn bè tốt hơn, Thức lao vào tìm hiểu thị trường, chứng minh nhu cầu người sử dụng, chạy demo sản phẩm và đi thương thuyết tìm nhà tài trợ.

Kết quả của hơn 5 tháng sống cùng mạng xã hội, Cafebots của Thức và cộng sự đã thuyết phục được Quỹ đầu tư Kleiner Perkins Caufield & Byers đầu tư 5 triệu USD để biến ý tưởng thành hiện thực. Ông Vũ Đình Thái, cha của TS Vũ Duy Thức chia sẻ: “Thức đã chọn một con đường rất dài và khó để đi, có nhiều vinh quang nhưng lắm gian nan vất vả. Thật lòng tôi không quá vui khi Thức nổi tiếng hay giàu có, điều tôi tự hào nhất chính là Thức vẫn giữ được lửa đam mê trên con đường chinh phục những thử thách, sự khiêm tốn, trung thực cần thiết cho một nhà khoa học”.

TIÊU HÀ

Tin cùng chuyên mục