Đường Hồ Chí Minh phía Nam - Kết nối để phát triển

Đường Hồ Chí Minh đi qua 30 tỉnh, thành với điểm đầu là Pắc Bó (Cao Bằng), nối tiếp đường Trường Sơn huyền thoại đến Chơn Thành (Bình Phước) và điểm cuối là Đất Mũi - Cà Mau. Đây là tuyến đường bộ huyết mạch của quốc gia song song với quốc lộ 1A, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh ở hành lang phía Tây vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đường Hồ Chí Minh phía Nam - Kết nối để phát triển

Đường Hồ Chí Minh đi qua 30 tỉnh, thành với điểm đầu là Pắc Bó (Cao Bằng), nối tiếp đường Trường Sơn huyền thoại đến Chơn Thành (Bình Phước) và điểm cuối là Đất Mũi - Cà Mau. Đây là tuyến đường bộ huyết mạch của quốc gia song song với quốc lộ 1A, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh ở hành lang phía Tây vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi đã thông xe kỹ thuật

Mở thế liên hoàn

ĐBSCL lâu nay ở thế giao thông độc đạo. Ngoài quốc lộ 1A nối tới Năm Căn (Cà Mau), các hướng tuyến giao thông khác nhằm phá thế cô lập cho vùng đất này mới chỉ cơ bản hoàn thành, có nơi còn đang hoàn thiện. Trong đó, đường cao tốc phía đông, từ TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ chỉ có đoạn TPHCM - Trung Lương đã hoàn thành, chủ yếu khai thác vùng lõi của ĐBSCL. Tuyến thứ ba là trục dọc ven biển phía Đông, gồm quốc lộ 50 từ TPHCM - Long An, kết thúc tại Mỹ Tho (Tiền Giang) và quốc lộ 60 nối từ Tiền Giang qua cầu Rạch Miễu đến Bến Tre, qua cầu Cổ Chiên đến Trà Vinh và phà Đại Ngãi đến Sóc Trăng. Tuyến này khai thác toàn bộ vùng phụ cận TPHCM, duyên hải Nam bộ và vùng Nam Măng Thít, nhưng đến nay còn phải chờ xây dựng cầu Đại Ngãi. Tuyến N1 là trục giao thông thứ tư kết nối với hệ thống đường hành lang biên giới Tây Nam. Đầu tuyến đường N1 kết nối với điểm cuối tuyến 14C tại khu vực Lộc Tấn (Bình Phước), đi qua Đức Huệ - Mỏ Vẹt - Bình Hiệp - Tân Hồng - Hồng Ngự (đoạn Hồng Ngự - Tân Hồng trùng với quốc lộ 30 đã đầu tư xong) - Châu Đốc - Tịnh Biên - Hà Tiên. Đây là tuyến vành đai biên giới Tây Nam, còn hệ thống cầu lớn và nhiều đường nhánh chưa đầu tư.

Tuyến đường thứ 5 khá quan trọng, nối các tỉnh Tây Nguyên với vành đai trong của ĐBSCL, còn gọi là dự án đường Hồ Chí Minh phía Nam. Theo quy hoạch, tuyến đường bắt đầu từ Chơn Thành (Bình Phước), qua Tây Ninh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau và kết thúc tại Đất Mũi. Trên tuyến sẽ xuất hiện một số cầu, trong đó có 3 cầu có quy mô lớn đó là cầu Cao Lãnh (bắc qua sông Tiền), cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu) và cầu Cái Lớn (bắc qua sông Cái Lớn). Hiện tại, cầu Cái Lớn đã hoàn thành, còn cầu Vàm Cống và Cao Lãnh đang thi công. Đầu năm 2016, dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi nối từ cầu Vàm Cống đến Rạch Giá và nối với tuyến tránh Rạch Giá thuộc hành lang ven biển phía Nam cũng đã được khởi công xây dựng. Như vậy, toàn tuyến thứ 5 này sẽ khai thác vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, Hà Tiên - Kiên Giang và bán đảo Cà Mau, vừa tạo điều kiện đi lại thuận lợi, vừa tạo cơ hội để các tỉnh vùng lõi ĐBSCL mở rộng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; phát triển dân cư, công nghiệp, du lịch, thúc đẩy hoạt động đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch của các địa phương.

Đường băng cất cánh   

Với sự chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của bộ, ngành trung ương và nỗ lực của các đơn vị thi công, trước Tết Nguyên đán 2016, hơn 50km đường Hồ Chí Minh chạy dọc các dãy rừng đước, vuông tôm về Đất Mũi được thông xe kỹ thuật. Ông Đặng Văn Mé (ấp Khai Long, xã Đất Mũi) có vuông tôm sú dọc tuyến đường mang tên Bác xúc động nói: “Con đường ấy, đời cha, đời chú của tôi đã mong muốn nhưng tới đời tôi và con tôi mới thành hiện thực, còn niềm vui nào bằng”. Đó cũng là niềm vui chung của người dân Đất Mũi - Cà Mau. Ngay khi con đường đi qua, người dân ở một số nơi đã cất nhà mới, hoặc quay mặt tiền nhà từ mé sông lên mặt lộ. Nhiều hộ trong số ấy còn mở quán bán nước giải khát hoặc mở tiệm rửa - sửa xe máy… Còn ở xã Đất Mũi, nhờ có con đường huyết mạch ấy, các hộ kinh doanh trong vùng mạnh dạn mở rộng quy mô, để cái chợ xa xôi và heo hút nhất Cà Mau phút chốc trở thành nơi xôm tụ, tấp nập người đi, kẻ đến. Chủ tịch UBND xã Đất Mũi Ngô Minh Toại nói: “Xe bốn bánh về tới trung tâm xã rồi, nơi đây không còn là “ốc đảo” nên nhiều thứ chuyển động theo, cả trong kinh doanh và nếp sống của người dân”.

Tại miệt rừng đước của huyện Ngọc Hiển, sau khi đường Hồ Chí Minh đấu nối về tận Đất Mũi, lượng khách du lịch tìm về mũi Cà Mau tăng đột biến. “Các công trình du lịch ở Đất Mũi cũng chuyển động mạnh mẽ, nhà nông quen nuôi trồng thủy sản giờ cũng đầu tư xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng phục vụ khách tham quan”, ông Trần Việt Triều, quản lý Nhà khách Công đoàn Khu du lịch Mũi Cà Mau, cho biết. Cách mũi Cà Mau chưa đầy 10km, Khu du lịch Khai Long trước đây bị chia cắt vì đường bộ không thuận lợi, giờ cũng nhộn nhịp. Nơi ấy, công trình điện gió quy mô giai đoạn 1 gồm 50 trụ với vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng cũng vừa được động thổ, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017. “Khi hoàn thành, đây sẽ là công trình điện gió thứ hai tại ĐBSCL. Từ Khai Long phóng tầm mắt ra biển là cụm đảo Hòn Khoai, tương lai không xa sẽ được đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu mang tầm vóc quốc tế. Những công trình, dự án ấy sẽ là đòn bẩy để huyện cực Nam của đất nước “cất cánh” trong tương lai”, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến chia sẻ.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục