Em trai tôi Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân

Em trai tôi Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Ba má tôi thoát ly tham gia kháng chiến. Các anh chị vào vùng kháng chiến. Riêng tôi và Hiến nhỏ nhất, lúc đó Hiến 6 tuổi, tôi 7 tuổi, nên được gửi lên Đà Lạt sống với bà con để đi học. Đến năm 1950, tôi và Hiến được đưa vào vùng kháng chiến – khu 9 Nam bộ.

Em trai tôi Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân ảnh 1

Ngay từ bé, Hiến luôn học giỏi, bộc lộ năng khiếu thơ văn và thích âm nhạc. Tôi học thua em nhưng không buồn mà cảm thấy vui và tự hào về em trai của mình. Hiến hiền lành, ngoan, nhân ái với mọi người. Tính tình em rất giống ba tôi, mẫu mực chân thành, không bao giờ thủ đoạn; sẵn sàng nhận việc khổ và cống hiến hết mình cho Tổ quốc, quê hương.

Hoàn cảnh kháng chiến, tuy vùng giải phóng nhưng từ năm 1952 trở đi bắt đầu ác liệt. Chị em tôi nghỉ học. Hiến 12 tuổi làm công nhân xếp chữ ở nhà in Trình Đình Trọng. Từ lúc đó Hiến tập sự viết báo tường.

Cuối năm 1954, Hiến và tôi đều tập kết ra Bắc. Hiến đi học trường miền Nam ở Hải Phòng, tôi về đoàn văn công Nam bộ ở Hà Nội, thỉnh thoảng chị em mới gặp nhau.

Suốt quá trình đi học từ lớp 6 đến lớp 9 (1956 – 1959) em đều học giỏi, hạnh kiểm tốt. Sau này vào học Đại học Tổng hợp Hà Nội, em cũng tiếp tục duy trì thành tích học tập xuất sắc.

Vào học Đại học Tổng hợp, Hiến mong học ở khoa Văn nhưng trường lại phân công về khoa Sử. Hiến băn khoăn về tâm sự với ba (ba tôi là nhà nghiên cứu văn học sử Nam bộ). Hiểu nỗi lòng con, ba tôi giải thích về mối quan hệ giữa văn và sử có sự hỗ tương mật thiết. Những điều trao đổi của ba tôi làm Hiến yên tâm tập trung học tốt suốt những năm tháng đại học.

Em tốt nghiệp loại giỏi, được trường giữ lại giảng dạy và đề cử em đi học ở nước ngoài. Nhưng
Hiến đã tình nguyện xin về miền Nam.

Cuối năm 1964 Hiến lên đường về Nam, trước khi Hiến đi tôi có gặp được em. Tôi đang đi biểu diễn ở Hải Phòng, Hiến tranh thủ xuống thăm tôi và cô Út của tôi. Lúc đó ba má tôi được cử sang công tác ngoại giao ở Campuchia. Đó là buổi ăn cơm cuối cùng của tôi với Hiến. Thương Hiến lắm và cũng tự hào biết bao!

Bức thư em gửi chú Bảo Định Giang tháng 5-1965, em kể lại khi về đến Nam bộ: “…Hôm vượt sông Đồng Nai đến đất Nam bộ đầu tiên cháu muốn khóc vậy chú ạ, cháu kìm mãi nhưng nước mắt cứ chảy. Rồi vào chiến khu Đ, hoa mai nở vàng trên lối đi, trên đầu thì máy bay trực thăng quần đảo, cháu cảm hứng mấy câu thơ:

Mùa xuân đậm lá ngụy trang
Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai
Ba lô nặng, súng cầm tay
Đường xa biết mấy dặm dài nhớ thương”.

Bức thư em viết cho ba má tôi năm 1965: “…Hiện nay con đang chuẩn bị đi thực tế để sáng tác. Được công tác bên văn nghệ con thích lắm vì hợp với nguyện vọng của con. Con sẽ cố gắng phấn đấu tu dưỡng tốt để được vào Đảng, con sẽ cố gắng sáng tác nhiều tác phẩm tốt. Ba má đừng lo lắng nhiều về con, rồi con sẽ sống quen và trưởng thành trong kháng chiến, con sẽ xứng đáng là con của ba má…”.

***

Năm 1964 em lên đường vào Nam, hai năm sau đó vào tháng 8-1966 Hiến được kết nạp Đảng.
Nhật ký của Hiến ghi:

“…Ngày 7-8-1966 ngày Chúa nhật đáng ghi nhớ của Hiến. Từ nay Hiến đã là đảng viên dự bị. Mười hai tháng dự bị thử thách lòng dũng cảm và sự hứa hẹn của Hiến. Một năm thử thách, Hiến không được một phút sợ sệt, sợ hy sinh, gian khổ. Hiến nhất định không bao giờ làm nhơ lời hứa danh dự của mình. Nếu cần thiết sẽ hy sinh cả thân thể của mình.

Muốn làm thơ hay thì trước hết Hiến phải tu dưỡng đạo đức. Điều cốt yếu là Hiến phải lao vào cuộc chiến đấu của miền Nam, không hề ngại khó, ngại khổ…”.

Những điều em viết trong những lá thư, trong nhật ký, em đều đã thực hiện trọn vẹn.
Năm 1968, chiến tranh ác liệt, em đã tha thiết được đi vào chiến trường và em đã hy sinh trên chiến trường.

Trong lời tựa tập thơ Lê Anh Xuân - Thơ với tuổi thơ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết:

“…Anh lại có mặt ở trọng điểm của cuộc chiến đấu vào thời kỳ khốc liệt nhất trong cuộc Tổng tấn công mùa xuân năm 1968. Lê Anh Xuân đã bám trụ như một người lính dũng cảm và đã anh dũng hy sinh vào ngày 24-5-1968 trong trận giặc Mỹ đổ quân bằng trực thăng xuống cánh đồng ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình Lê Anh Xuân đã kịp để lại cho chúng ta ba tập thơ: “Tiếng gà gáy”, “Hoa dừa”, “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi” (ba tập thơ này đã được giải thưởng Nhà nước năm 2001).

Thơ anh trong sáng, giản dị, chan chứa lòng yêu quê hương, đất nước, khao khát được dâng hiến tuổi trẻ của mình cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đây còn là kỷ vật thiêng liêng bởi anh không chỉ viết bằng tài năng, mà còn viết bằng cả chính máu của mình…”.

Và gần đây, trong cuộc hội thảo về cuộc đời, sự nghiệp Ca Lê Hiến – Lê Anh Xuân, nhiều bài tham luận cũng đã đánh giá sâu sắc con người, nhân cách và sự nghiệp của em. Tôi càng xúc động, càng tự hào và càng thương nhớ em nhiều hơn.

Hiện nay Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật TPHCM và các hội chuyên ngành có liên quan đang thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TPHCM, lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân, cùng với Nguyễn Thi và Hoàng Việt. Tôi hy vọng điều này sẽ sớm trở thành hiện thực.

CA LÊ HỒNG

Tin cùng chuyên mục