(SGGP).- Đó là khẳng định của ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 30-10 vừa qua tại TPHCM.
Châu Âu hiện là đầu tàu về khoa học, công nghệ và sáng tạo. Trong bối cảnh Việt Nam và EU đã ký Hiệp định Thương mại tự do, để tận dụng tốt nhất lợi thế từ hiệp định này, về phía EU có thể hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực như xây dựng các mô hình quản trị và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực hạ tầng, đào tạo, giáo dục, tư pháp và pháp quyền bao gồm y tế, bảo hiểm, xã hội và năng lượng bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng cần nỗ lực nhiều hơn trong cải thiện chính sách thu hút đầu tư. Đặc biệt, hỗ trợ để phát triển bền vững cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người nông dân trong nước. Theo đó, chính sách hỗ trợ phải giải quyết được những khó khăn liên quan đến việc tiếp cận thị trường, tài chính và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mà thị trường các nước trên thế giới nói chung và tại thị trường châu Âu nói riêng đặt ra. Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm Việt Nam chưa được tiếp nhận tại thị trường châu Âu vì không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng mà các nước châu Âu đặt ra, nhất là thực phẩm. Vì tiêu chuẩn chất lượng liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm là một tiêu chuẩn rất cao tại thị trường châu Âu.
Ông Bruno Angelet nhấn mạnh, phải thấy rằng, bản thân doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người nông dân Việt Nam không thể tự xây dựng được những quy trình nhằm đảm bảo đạt chứng nhận trên mà phải có sự hỗ trợ thực hiện từ phía các cơ quan chức năng. Thế nhưng, đáng tiếc là hiện Việt Nam đang có quá nhiều cơ quan chức năng phụ trách quản lý vấn đề tiêu chuẩn, an toàn chất lượng sản phẩm nhưng lại thiếu cơ quan chức năng chuyên trách, chịu trách nhiệm về vấn đề này. Các hoạt động quản lý chồng chéo lên nhau. Trong khi đó, sản phẩm Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu dù đứng thứ hai nhưng chỉ là sản phẩm xuất thô và vay mượn thương hiệu từ những công ty nước ngoài khác. Không chỉ vậy, tính cạnh tranh của Việt Nam là lực lượng lao động trẻ. Thế nhưng, đây không phải là điều duy nhất Việt Nam dựa vào để thu hút đầu tư mà quan trọng hơn, là lực lượng lao động cần phải được đào tạo bài bản. Thực tế tại Việt Nam có nhiều người dân từ vùng nông thôn ra thành phố lao động nhưng để có thể tăng trưởng phát triển kinh tế một cách bền vững thì lực lượng lao động này cần thiết phải được đào tạo lại.
Trong thời gian tới, EU sẵn sàng đưa ra những giải pháp hỗ trợ về kỹ thuật để doanh nghiệp cũng như sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hoàn thiện quy trình quản lý, tiêu chuẩn chất lượng, từng bước đáp ứng và thâm nhập thị trường châu Âu. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là Bộ Công thương cần phải đưa những nội dung đặt hàng cụ thể về những giải pháp kỹ thuật cần hỗ trợ. Có như vậy, hai bên mới có thể tận dụng tốt những lợi thế mà Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
ÁI VÂN