

Ngành công nghiệp xe hơi Pháp được chính phủ ưu tiên hỗ trợ.
Kết thúc cuộc họp cấp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) tại Roma (Italia), các nhà lãnh đạo xác định đặt ưu tiên số một là “ổn định kinh tế và thị trường tài chính thế giới”.
Tuyên bố chung của G7 cam kết không nhượng bộ trước xu hướng bảo hộ mậu dịch cũng như không dựng lên những “hàng rào mới”, không để cho các biện pháp “bảo vệ thị trường” được sử dụng như là “công cụ chính trị”.
Theo Bộ trưởng Tài chính Italia G.Tremonti, bảo hộ mậu dịch là nguy cơ cụ thể, không chỉ đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Bộ trưởng Tài chính Pháp C.Lagarde thừa nhận các chính sách bảo hộ mậu dịch có thể diễn ra dưới nhiều hình thức trong khu vực ngân hàng, tài chính và kinh tế.
G7 cảnh báo bất cứ biện pháp bảo hộ nào nhằm thúc đẩy các nền kinh tế quốc gia cũng sẽ chỉ làm suy yếu thêm sự thịnh vượng toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết hỗ trợ các nước đang phát triển để những người nghèo nhất thế giới không phải là đối tượng chịu tác động lớn nhất do sự suy thoái toàn cầu này.
Các bộ trưởng tài chính hy vọng sẽ đạt tiến bộ trong việc soạn thảo các nguyên tắc minh bạch chung cho hệ thống tài chính trong 4 tháng tới, trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7+ Nga) vào tháng 7. Tuyên bố chung của hội nghị cũng đánh giá cao cách tiếp cận của Mỹ và Anh nhằm điều chỉnh hệ thống ngân hàng của mỗi nước bằng cách tái cấp vốn cho các ngân hàng; hoan nghênh Trung Quốc chấp nhận giảm nhẹ biện pháp kềm chế hối suất để đồng NDT mỗi ngày mỗi tăng giá, tránh gây căng thẳng với các đối tác thương mại.
Hội nghị của G7 diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về tình trạng áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch. Khẩu hiệu “người Mỹ mua hàng Mỹ” trong kế hoạch phục hưng kinh tế Hoa Kỳ và biện pháp hỗ trợ các tập đoàn sản xuất xe hơi tại Pháp bị chỉ trích nhiều, cả hai bị xem là chủ trương đi ngược lại tự do kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Đức P.Steinbrueck cảnh báo “không nên lặp lại sai lầm như hồi Đại suy thoái trong những năm 30 của thế kỷ trước, khi việc áp dụng các chính sách bảo hộ mậu dịch đã gây ra những tác động liên hoàn khiến cuộc khủng hoảng càng thêm trầm trọng.
Tuy nhiên, hội nghị mới chỉ dừng ở việc quảng bá các biện pháp đặc biệt để đối phó khủng hoảng đã được các nước G7 phối hợp đưa ra, chứ chưa nêu rõ cách thức thực hiện những biện pháp này. Trong khi đó, những tin xấu về khủng hoảng kinh tế trên thế giới càng lúc càng dồn dập, càng đẩy lùi khả năng vực dậy của các nền kinh tế châu Á tăng trưởng nhờ xuất khẩu.
V.Khuê (Theo RFI, AFP)