G7 xây dựng cơ chế mới ứng phó các thách thức

Ngày 3-5, ngoại trưởng các nước công nghiệp phát triển G7 bắt đầu phiên họp trực tiếp diễn ra trong 3 ngày tại thủ đô London, Anh. Phiên họp sẽ thảo luận một loạt chủ đề quan trọng trong quan hệ quốc tế mà trọng tâm là quan hệ với Nga và Trung Quốc nhằm chuẩn bị nghị trình cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 6-2021.
Nhịp sống ở London dần trở lại bình thường sau khi các lệnh hạn chế được giảm bớt. Ảnh: Reuters
Nhịp sống ở London dần trở lại bình thường sau khi các lệnh hạn chế được giảm bớt. Ảnh: Reuters

Củng cố vai trò

Cuộc họp Ngoại trưởng G7 tại London lần này sẽ là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của ngoại trưởng nhóm nước G7 trong hai năm qua. Trong năm 2020, do đại dịch Covid-19 và việc chuẩn bị tranh cử tổng thống, chính phủ của ông Donald Trump đã quyết định hủy bỏ Hội nghị Thượng đỉnh G7 dự kiến do Mỹ đăng cai. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay, dự kiến diễn ra vào tháng 6-2021 tại Anh, ngoài các nước G7, nước Anh chủ nhà còn mời thêm các nước Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc tham dự.

Ngoại trưởng Anh, ông Dominic Raab cho biết, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc với các nước G7, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản đang xấu đi trong thời gian qua với hàng loạt các bất đồng trong các sự kiện lớn như căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine, vụ việc liên quan đến nhân vật bất đồng tại Nga Alexei Navalny, cách thức Trung Quốc xử lý đại dịch Covid-19 thời gian đầu hay các vấn đề về Hồng Công, Tân Cương… Ngoại trưởng Anh cũng lên tiếng chỉ trích Nga và Trung Quốc đang đẩy mạnh cuộc chiến truyền thông nhằm làm xói mòn uy tín của các nước phương Tây trong việc chống dịch cũng như trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19, đồng thời cho rằng G7 cần nhanh chóng xây dựng cơ chế để ứng phó.
Tuy nhiên, ông Dominic Raab cũng cho rằng, trong một số chủ đề, như thương mại, kiểm soát đại dịch hay phân phối vaccine Covid-19 cho các nước nghèo, thế giới cần có sự hợp tác của Nga và Trung Quốc. “Điều quan trọng nhất với chúng tôi là xây dựng một khối các nước có chung chí hướng vì một xã hội mở và nhiều vấn đề khác. Trong tất cả các lĩnh vực này chúng tôi muốn càng nhiều nước cùng tham gia càng tốt và chúng tôi cũng muốn thấy Nga và Trung Quốc cam kết tham gia vào các nỗ lực này”, ông Raab nhấn mạnh.

Ứng phó đại dịch

Ngoài ra, Hội nghị Thượng đỉnh G7 cũng được cho là sẽ có hành động bảo đảm sự tiếp cận công bằng đối với vaccine Covid-19 trên toàn thế giới. Đây là bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa những gì G7 đã cam kết từ hồi tháng 2-2021. Theo đó, các nhà lãnh đạo G7 cho rằng, cống hiến của những người làm công tác thiết yếu ở khắp mọi nơi trên thế giới đã thể hiện những gì tốt đẹp nhất của nhân loại, trong đó có việc nhanh chóng phát triển được vaccine Covid-19.

Để phối hợp và cùng nhau củng cố Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như hỗ trợ nâng cao vai trò dẫn dắt và điều phối của tổ chức này, các nước G7 đang đẩy nhanh quá trình phát triển và cung cấp vaccine trên toàn cầu; phối hợp để nâng cao năng lực sản xuất vaccine, bao gồm cả việc phê chuẩn cấp phép tạm thời; cải thiện việc chia sẻ thông tin, như việc giải mã gen các biến thể mới; thúc đẩy các hoạt động minh bạch, có trách nhiệm và sự tin tưởng đối với vaccine.

Nhóm các nước G7 cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với tất cả các trụ cột của Chương trình Hợp tác tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT-A), dự án COVAX và quyền tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán… Tính đến nay tổng hỗ trợ của G7 cho ACT-A và COVAX là 7,5 tỷ USD. G7 sẽ làm việc với các đối tác, như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các tổ chức tài chính quốc tế, cùng tham gia hỗ trợ ACT-A, tăng cường khả năng tiếp cận của các nước đang phát triển với các loại vaccine Covid-19 đã được WHO phê duyệt thông qua COVAX.

Tin cùng chuyên mục