Áp lực cạnh tranh
Ước tính của Bộ Công thương cho thấy, lũy kế tiêu thụ sản phẩm xi măng trong 2 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 18,55 triệu tấn, tăng 85% so với cùng kỳ. Sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa tăng so với thời điểm này cùng kỳ năm trước.
Về giá xi măng quý 1-2018 dao động ở biên độ nhỏ. Giá bán trong nước của một số chủng loại xi măng phổ biến tại các nhà máy của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) trong tháng 2-2018 từ 850.000 - 1.615.000 đồng/tấn (đã gồm thuế VAT và giao trên xe bên mua tại nhà máy).
Ghi nhận thị trường khu vực TPHCM cho thấy, giá bán lẻ xi măng hiện nay khá ổn định, phổ biến từ 1.260.000 - 1.750.000đồng/tấn. Trong khi đó, dự báo giá bán xi măng tại các doanh nghiệp sản xuất có xu hướng tăng nhẹ vào những tháng tới, do thời điểm các dự án bất động sản và công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp tục được đẩy mạnh.
Nhà máy xi măng Hà Tiên tại quận 9, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Theo nhận định của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xi măng, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi đang được Chính phủ quan tâm, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhu cầu xây dựng của người dân vẫn nhiều… được xem là những yếu tố đem lại thuận lợi cho ngành xi măng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sản lượng xi măng cung đang vượt cầu ở thị trường nội địa và đặt ra bài toán nan giải cho các doanh nghiệp.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2018 khoảng 83 - 85 triệu tấn, tăng 4% - 6% so với năm 2017; trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 66 - 67 triệu tấn, xuất khẩu 17 - 18 triệu tấn. Trong khi đó, nếu tính cả 3 dây chuyền sản xuất xi măng mới khai thác với công suất thiết kế 9,1 triệu tấn/năm vừa đi vào vận hành, hiện cả nước có 83 dây chuyền sản xuất xi măng, nâng tổng công suất đạt 98,56 triệu tấn. Như vậy, ngành xi măng sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng cung vượt cầu khoảng 25% - 30%.
“Mặc dù cung vượt cầu nhưng do chi phí năng lượng có xu hướng tăng khiến ngành xi măng gặp khó khăn nên giá bán có thể được điều chỉnh tăng nhẹ chứ không giảm trong thời gian tới. Cụ thể, hiện nay giá than - một trong những nhiên liệu đầu vào thiết yếu để sản xuất xi măng - đã tăng gần 10%, giá điện tăng thêm 6,08% kể từ cuối năm 2017 cũng tác động mạnh đến chi phí năng lượng trong giá thành sản phẩm xi măng và clinker”, đại diện Vicem phân tích.
Trước áp lực dư nguồn cung lớn và để duy trì tốc độ tăng trưởng, hạn chế tăng giá sản phẩm, giải pháp tạm thời được các doanh nghiệp áp dụng là giữ vững hệ thống phân phối, bảo đảm chất lượng sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh.
Tăng năng suất lao động
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung nhận định, mặc dù trong nước nguồn cung đang vượt cầu, các doanh nghiệp trong ngành phải cạnh tranh gay gắt, nhưng triển vọng bức tranh toàn cảnh của thị trường sẽ xuất hiện gam màu sáng, đặc biệt ở mảng xuất khẩu dự kiến vượt 18 triệu tấn. Một trong những yếu tố giúp xuất khẩu xi măng thuận lợi là chính sách phát triển vật liệu xây dựng của Trung Quốc đã giảm đáng kể ở khâu sản xuất để bảo vệ môi trường, nên Việt Nam đang là nước xuất khẩu nhiều clinker vào thị trường Trung Quốc.
“Bên cạnh việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách, chúng ta cũng đưa thuế xuất khẩu xi măng về 0% và được hoàn thuế VAT tại Nghị định 146/2017/NĐ-CP - động thái có lợi cho xuất khẩu xi măng, clinker Việt Nam đã giúp giá xuất khẩu tăng từ cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 với mức tăng từ 5 -7 USD/tấn. Bên cạnh đó, các thị trường chủ lực của ngành xi măng như Băngladesh, Myanmar, lãnh thổ Đài Loan… vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp khai thác hiệu quả”, ông Nguyễn Quang Cung chia sẻ.
Trên thực tế, để bình ổn thị trường xi măng, những năm qua Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng Hiệp hội Xi măng Việt Nam thống nhất và chỉ đạo các đơn vị sản xuất xi măng triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát huy đạt và vượt công suất thiết kế, giảm chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm; hoàn thiện mạng lưới kinh doanh để giảm chi phí lưu thông, chi phí bán hàng. Ở mảng xuất khẩu, xác định thị trường xi măng thế giới cũng cạnh tranh rất khốc liệt; do đó, buộc doanh nghiệp các nước phải có chiến lược xuất khẩu thông minh và làm ăn chuyên nghiệp. Ngành Xi măng Việt Nam sớm hình thành các tập đoàn xi măng lớn thay vì nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ như hiện nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trước mắt để xuất khẩu hiệu quả, các doanh nghiệp cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để tránh bị ép giá, giữ giá bán ổn định. Về lâu dài, để tránh ảnh hưởng sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các doanh nghiệp ngành xi măng phải có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh; có kế hoạch, chương trình cụ thể để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ với mục tiêu nâng cao năng suất lao động. Bởi mặc dù sản lượng xi măng của Việt Nam đứng đầu ASEAN nhưng năng suất lao động chỉ bằng 50% - 60% các nước trong khu vực. Do vậy, vấn đề tăng năng suất lao động có thể xem là yếu tố quyết định đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành xi măng trong thời gian tới.