Gần 1.500 học sinh học cách ứng xử thông minh trên mạng xã hội

Sáng 4-11, tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), Sở GD-ĐT TPHCM đã phối hợp với một đơn vị thông tin truyền thông tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề với nội dung "Tư duy thời đại số".
Tại đây, gần 1.500 học sinh của Trường THPT Nguyễn Du đã được nghe các chuyên gia cung cấp kiến thức cũng như trang bị các kỹ năng cần thiết khi tương tác trên môi trường mạng xã hội như tư duy phản biện, sự thấu cảm, tôn trọng trong giao tiếp... Bên cạnh đó, cũng thông qua chương trình, giáo viên được cung cấp tài nguyên giảng dạy và tập huấn hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng công dân số có trách nhiệm. 
Gần 1.500 học sinh học cách ứng xử thông minh trên mạng xã hội ảnh 1 Học sinh hào hứng với nội dung buổi nói chuyện "Tư duy thời đại số"
Ở buổi nói chuyện, các chuyên gia đã giúp học sinh phân biệt 3 loại bài viết trên mạng xã hội: đó là bài viết thông tin sự thật (còn gọi là tin tức), bài viết thông tin sai lệch (quảng cáo sai sự thực, tin tức giả, bài báo hoặc hình ảnh đã qua chỉnh sửa...) và bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết.
Từ đó, bài học được rút ra là học sinh không nên vội vàng like hoặc share nếu chưa xác định được thông tin đúng hay sai và trả lời được những câu hỏi như hình ảnh đó có thật không?, có phải nội dung mồi nhấp chuột hay không?, nguồn thông tin là gì?, ngữ cảnh là gì?, có các nguồn thông tin khác nào để kiểm chứng?...
Gần 1.500 học sinh học cách ứng xử thông minh trên mạng xã hội ảnh 2 Các chuyên gia công nghệ cung cấp cho các em học sinh kiến thức và kỹ năng sử dụng mạng xã hội phù hợp
Sau khi xác định được nguồn tin, các em cần học cách chia sẻ thông tin đúng và ứng xử thông minh, cụ thể là góp phần ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch. Song, để làm được điều đó, học sinh cần được trang bị tư duy tích cực và tư duy phản biện, giúp bảo vệ bản thân trước những tác động của mạng xã hội. 
Lê Duy, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Du cho biết, buổi nói chuyện cung cấp cho em nhiều thông tin bổ ích như cách bảo vệ danh tính trên môi trường mạng xã hội, xây dựng tư duy tích cực trong tương tác trực tuyến, mẹo phát hiện tin giả... Lê Duy bày tỏ: "Từ khi tham gia mạng xã hội, em nhận thấy môi trường mạng cũng giống như một xã hội thu nhỏ, có rất nhiều mối quan hệ và mâu thuẫn. Vì vậy, để trở thành người sử dụng tỉnh táo, em cần phải có kỹ năng ứng xử và xử lý tình huống phù hợp".
Gần 1.500 học sinh học cách ứng xử thông minh trên mạng xã hội ảnh 3 Học sinh đặt câu hỏi khi tham gia buổi chia sẻ ứng xử thông minh trên mạng xã hội
Còn theo Nguyễn Thục Trinh, học sinh lớp 11A7, mạng xã hội hiện nay bị rất nhiều người lợi dụng để lừa đảo, trục lợi. Ngoài ra, đây cũng là môi trường dễ phát sinh những chuyện "lời qua tiếng lại không đáng có". Do đó, mỗi người sử dụng phải hết sức tỉnh táo, học cách thông cảm và thấu hiểu cho những người xung quanh mới không nảy sinh những chuyện buồn không đáng có. 
Thông qua buổi nói chuyện, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết, tuổi trẻ học đường hôm nay sử dụng công nghệ rất nhiều, hầu như em nào cũng có điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nếu các em sử dụng không có chọn lọc, không định hướng thì tác động của một số thông tin sai lệch có thể dẫn đến hậu quả khôn lường như bị lôi kéo vào các tổ chức phản động, tuyên truyền thông tin sai lệch, tham gia xung đột từ môi trường mạng đến đời thực.
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan đến xung đột của học sinh trên mạng xã hội. Theo ông Huỳnh Thanh Phú, nếu nhà trường có kênh phản ảnh thông tin kịp thời giúp học sinh có thể chia sẻ, giải tỏa khúc mắc, bày tỏ tâm tư, tình cảm sẽ giúp ngăn chặn những hành xử tiêu cực không đáng có. 
Hiện nay, Trường THPT Nguyễn Du sử dụng kênh fanpage để học sinh kịp thời phản ảnh những trăn trở, vấn đề của mình, qua đó giúp các thầy, cô có thể hiểu tâm tư, tình cảm của các em, đồng hành cùng học sinh của mình khi có khó khăn, khúc mắc. Song song đó, vai trò của Đoàn thanh niên trong nhà trường cần được đẩy mạnh để tạo sự gần gũi, tạo ra những sân chơi lành mạnh giúp học sinh có định hướng sống đúng đắn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Du cũng thừa nhận, để ngăn chặn bạo lực học đường, về lâu dài việc giáo dục học sinh cần có sự phối hợp tốt từ hai phía là nhà trường và gia đình. Trong đó, giáo dục nhà trường cần có sự phối hợp đồng bộ giữa tất cả môn học, hoạt động trong và ngoài khuôn viên trường học nhằm giúp các em học sinh có nhận thức và kỹ năng ứng xử phù hợp. 
Ngoài Trường THPT Nguyễn Du, hoạt động còn diễn ra ở 4 trường trung học khác gồm THCS Lê Quý Đôn (quận 3), THCS Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), THPT Marie Curie (quận 3) và THPT Trần Hữu Trang (quận 5). 

Tin cùng chuyên mục