Gần 50% doanh nghiệp lạc quan - Dấu hiệu tốt cho môi trường kinh doanh

Gần đây, Chính phủ liên tục đưa ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như đổi mới, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo công bằng giữa các thành phần kinh tế; các thủ tục thuế, hải quan được rút ngắn; giảm bớt các hoạt động thanh tra, kiểm tra tránh làm phiền doanh nghiệp… Câu hỏi đặt ra là hiệu quả thế nào? Dưới đây là những con số mới nhất về môi trường đầu tư.
Gần 50% doanh nghiệp lạc quan - Dấu hiệu tốt cho môi trường kinh doanh

Gần đây, Chính phủ liên tục đưa ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như đổi mới, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo công bằng giữa các thành phần kinh tế; các thủ tục thuế, hải quan được rút ngắn; giảm bớt các hoạt động thanh tra, kiểm tra tránh làm phiền doanh nghiệp… Câu hỏi đặt ra là hiệu quả thế nào? Dưới đây là những con số mới nhất về môi trường đầu tư.

Kỳ vọng sự ổn định và cải thiện

6 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp châu Âu cho rằng Việt Nam có những đổi mới tích cực và đa số các doanh nghiệp thể hiện sự hài lòng về môi trường kinh doanh Việt Nam. Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện, cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu nhìn nhận tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Có 56,3% số doanh nghiệp được khảo sát đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam “ổn định và cải thiện” và chỉ có chưa đầy 10% doanh nghiệp dự đoán kinh tế vĩ mô sẽ suy giảm. Đánh giá về mức độ lạc quan, có 49% doanh nghiệp được khảo sát lạc quan tin tưởng vào sự cải thiện về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Sự lạc quan đó cũng được thể hiện qua kết quả kinh doanh.

Cụ thể, theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và EU đã đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam là 16,2 tỷ USD, tăng 8,68% so với cùng kỳ và nhập khẩu vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, tăng 10,28%, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có thế mạnh như dệt may, giày dép các loại, cà phê, hải sản, máy vi tính...

Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Ngoài ra, sự lạc quan còn được thể hiện thông qua số lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nói chung đổ vào Việt Nam. Theo con số của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI của 6 tháng đầu năm đạt gần 11,3 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, có 1.145 dự án mới với vốn đăng ký là khoảng 7,5 tỷ USD và có 535 dự án tăng vốn đầu tư thêm là gần 3,8 tỷ USD. Có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là gần 4 tỷ USD, chiếm 35% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là gần 1,23 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư đăng ký; Singapore đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là khoảng 1,13 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư… Nếu chứng minh ngược, thì số lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam tăng cao, chứng tỏ được niềm tin và kỳ vọng của doanh nghiệp đối với nền kinh tế trong nước. Điều đó cũng thể hiện môi trường đầu tư được cải thiện, dấu hiệu mới của các cam kết hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam.

Cần tiếp tục rút ngắn thủ tục

Mặc dù Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có nhiều đổi mới, với nhiều cải cách mạnh mẽ, như đánh giá của các doanh nghiệp là luật của Việt Nam còn thông thoáng hơn cả luật của Mỹ. Nói như ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trong khu công nghiệp, thì việc thực hiện luật bị vướng vì… “trên thoáng, dưới buộc”. Có nghĩa là luật thoáng nhưng các nghị định, thông tư, hướng dẫn nội bộ… lại “đẻ” ra thêm quy định mới, tạo ra nhiều giấy phép con. Cái vướng thứ 2 chính là ở con người thực thi. Tư duy gây khó dễ để thể hiện quyền lực và trục lợi đã ăn sâu vào nhiều cán bộ công chức, nên những bức xúc của doanh nghiệp hầu hết là ở thái độ của người thực thi công vụ.

Do vậy, để cải thiện môi trường đầu tư, cần phải cải cách con người, rút ngắn thủ tục hành chính, cắt bỏ giấy phép con… là những việc cấp bách. Cụ thể và trước tiên là đột phá vào cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa ngành thuế và hải quan. Trong đó, cần thống nhất sự quản lý của các ngành thông qua “một cửa quốc gia”. Thay vì một hồ sơ nhập khẩu hàng phải thông qua 6 đến 9 bộ ngành như hiện nay thì thời gian tới phải thống nhất 1 cửa, các bộ ngành tự chia sẻ thông tin lẫn nhau, giảm việc đi lại và xin xỏ cho doanh nghiệp.

Nói như một chuyên gia mới đây: “Phải xác định, hải quan là con đường thông thương giữa các nước, do vậy cửa ngõ hải quan phải thoáng, phải trải thảm thì doanh nghiệp các nước mới đến với mình”. Các hoạt động quản lý thuế cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới hạn chế việc tiếp xúc giữa doanh nghiệp và cán bộ thực thi công vụ để giảm phiền hà, tránh phát sinh tiêu cực. Đó chính là cách để Việt Nam thực hiện thành công các hiệp định thương mại tự do FTA với các nước trên thế giới.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục