Gánh cơm hiếu lễ

Gánh cơm hiếu lễ

Người Nguồn bảo là gánh cơm giỗ sống nhưng tôi vẫn cứ thích gọi đó là gánh cơm hiếu lễ. Trong thung lũng Hóa Sơn xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình, già làng Đinh Hoạt đủng đỉnh kể cho tôi nghe sự tích giỗ sống mẹ cha.

Gánh cơm hiếu lễ ảnh 1

Già Đinh Hoạt, người kể chuyện tục gánh cơm giỗ sống ông bà cha mẹ.

Già nói: “Xa xưa lắm rồi có một chàng trai con của một tộc trưởng hùng mạnh, có tính tự lập, chẳng muốn nhận từ tộc trưởng thứ gì ngoài tình yêu thương. Vị tộc trưởng này thấy vậy liền đày chàng lên vùng núi hoang để xem chàng trai làm được gì khi không nhận những vật do cha ban tặng.

Chàng trai lên đó chỉ với hai bàn tay trắng. Nhưng sau mấy năm trời chăm chỉ khai hoang, chàng đã lập được một vùng đất trù phú có nhiều sản vật, thương lái tìm đến trao đổi hàng hóa. Biết chàng là con của tộc trưởng, nhiều thương lái bảo chàng về nhưng chàng không về mà đợi đến dịp cuối năm, chàng sắp vào một đôi quang gánh những thứ mình làm được nhờ người gánh về dâng lên cha.

Vị tộc trưởng ngỡ con mình đã chết sau mấy năm biệt tích, khi nghe được câu chuyện cậu con trai đã biến được mảnh đất cằn khô thành vùng trù phú, ông cảm động vô cùng. Nếm thử mấy món trên gánh sản vật của con gửi về, tộc trưởng thốt lên: Thế này thì ta chưa thể chết được! Từ nay ta xem đây như ngày con cái làm giỗ cha mẹ vào dịp cuối năm. Tích chuyện gánh cơm giỗ sống mẹ cha là như vậy”.

Theo già Đinh Hoạt, gánh cơm giỗ sống thường được dâng lên cha mẹ, ông bà nội ngoại. Nhà nào cha mẹ, ông bà đã mất gần hết thì khoảng 25 Tết mới chuẩn bị, còn các gia đình mà cha mẹ, ông bà nội ngoại còn sống thì công việc chuẩn bị gánh cơm được hình thành từ đầu tháng 11 Âm lịch hàng năm. Nhà giàu hay nhà nghèo cũng xếp thức ăn vào đôi quang gánh làm bằng mây, đồ đựng thức ăn là đôi thúng mới, đòn gánh cũng mới.

Không ai khoe gánh cơm của mình, mọi người lấy lá chuối rừng đậy lại, chẳng ai biết gánh cơm của nhau, nhưng bắt buộc trong gánh phải có cơm, vì người Nguồn xem cơm là thức ăn thông dụng như người Kinh. Gánh cơm không cầu kỳ, phải làm đúng từ thực lực bản thân, kinh tế gia đình thế nào thì làm thế đó, không khoe khoang, xa xỉ.

Bữa cơm đó với người Nguồn như một dòng chảy bất tận trong tinh thần vì đó là bữa cơm sẻ chia những niềm vui nỗi buồn cho nhau để năm mới được tấn tới.]

DƯƠNG MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục