Gánh hát Thầy Năm Tú

Hỏi:
Gánh hát Thầy Năm Tú

Hỏi: Xin cho biết tại TP Mỹ Tho năm 1950 có rạp hát cải lương tên gì? Có phải tên là Thầy Năm Tú? Người này có phải là người Hoa?
Lê Ngọc Sơn (P3, Q10, TPHCM)

Gánh hát Thầy Năm Tú ảnh 1

Thầy Năm Tú.

NGHÊ DŨ LAN: Thầy Năm Tú, thế danh Châu Văn Tú, cũng gọi Pierre Tú vì có Pháp tịch, sinh ở làng Vĩnh Kim, Mỹ Tho (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông là người Việt đầu tiên mua xe hơi ở Nam Kỳ (1907). Trung và Bắc Kỳ có xe hơi chậm hơn (1913) và hai nhà giàu đầu tiên mua xe là ông Nguyễn Văn Đương (tỉnh Thanh Hóa) và ông Bạch Thái Bưởi (Hà Nội).

Sau khi André Thận rã gánh hát (khoảng 1917-1918), thầy Năm Tú gom đào, kép của ông Thận lại, sắm thêm y phục, phông màn... để lập gánh Thầy Năm Tú, với thầy tuồng (biên kịch, đạo diễn) là Mạnh Tự Trương Duy Toản - một nhà Nho yêu nước, hoạt động trong phong trào Đông Du,.
 
Đầu năm 1918 thầy Năm Tú xây rạp riêng cho gánh hát gần chợ Mỹ Tho. Đây là rạp cải lương đầu tiên của Việt Nam. Sân khấu rộng, cao, hai bên hông có nhiều lớp cánh gà. Khi thay phông, đổi màn thì kéo hệ thống ròng rọc. Hệ thống ánh sáng do thầy tuồng điều khiển. Ghế chia theo hạng vé. Trên lầu gần hai bên sân khấu chia thành lô (lot) dành cho khách quan trọng. Mỗi tối, trước khi diễn, thầy Năm bày ra mục “tableau vivant” để toàn thể đào, kép sắp diễn tuồng trình diện khán giả.

Khi đặt cơ sở sản xuất tại Sài Gòn (1918), hãng dĩa hát Pathé Phono của Pháp mời đào, kép gánh hát Thầy Năm Tú thâu tiếng (vô dĩa) trước nhất. Những dĩa ấy (loại 78 vòng) được giáo đầu (introduction) như sau: “Đây là bạn hát cải lương của Thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, hát cho dĩa Pathé Phono nghe chơi”.

Tương truyền rạp Thầy Năm Tú hiện nay là rạp Tiền Giang (đường Nguyễn Huệ, P1, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Tin cùng chuyên mục