Gánh nặng “chi phí không chính thức”

“Chúng tôi điều tra nhiều năm liền thì chi phí không chính thức hầu như giảm không đáng kể; ngược lại, doanh nghiệp nhỏ lại phải chi nhiều hơn”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại một hội thảo về chủ đề cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây.

                                                                 

 Khai thuế tại Chi cục Thuế TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Khai thuế tại Chi cục Thuế TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Phát sinh ở mọi công đoạn 

Nhiều ý kiến tại hội thảo này cũng nhấn mạnh, chi phí không chính thức có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi quy định pháp luật. Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, giảm chi phí cho doanh nghiệp là vấn đề đầy thách thức của Việt Nam. Theo bà, hiện tại chưa thể “đong đếm” đầy đủ nhưng hệ quả của nó rất lớn, nền kinh tế có chi phí cao thì rất khó cạnh tranh. 
Ông Đặng Quang Vinh, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM, chỉ ra nhiều chi phí tuân thủ pháp luật bất hợp lý làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, từ khi khởi sự doanh nghiệp. “Chi phí tuân thủ pháp luật trong nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện rất bất hợp lý”, ông Vinh nói và nêu lại con số gần 2.000 điều kiện kinh doanh đang được cơ quan này đề nghị bãi bỏ.

Cần minh bạch thông tin

Góp ý về giải pháp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần có sự rà soát chi phí từ thực tiễn chứ không phải trên chính sách, vì khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn còn rất lớn. Theo ông Tuấn, cần kiểm toán xem các chi phí của doanh nghiệp đã hợp lý chưa? Trong cải cách hành chính cần chuyển trọng tâm từ tiền kiểm sang hậu kiểm, một giải pháp đột phá là có thể kết hợp thu thuế với bảo hiểm xã hội.

Để doanh nghiệp nói không với chi phí không chính thức, theo thạc sĩ Nguyễn Đặng Phương Anh, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, góp ý trước hết cần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức về thái độ, trình độ, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc trong quá trình tiếp nhận và xử lý các hồ sơ của các doanh nghiệp. Nâng cao yêu cầu về đội ngũ cán bộ công chức, đồng thời với lộ trình nâng cao mức lương cơ bản để đội ngũ cán bộ công chức yên tâm công tác từ mức lương thỏa đáng cho những kiến thức, kỹ năng của mình. 

Giải pháp quan trọng thứ 2, theo bà Phương Anh, là tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh cơ chế giám sát tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, yêu sách các khoản chi không chính thức cho các thủ tục hành chính tại địa phương. Đồng thời, cần xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, để từ đó làm gương cho những ai có ý định thực hiện hành vi này. Không chỉ trừng trị nghiêm các cán bộ công chức có hành vi tiếp nhận mà hành vi của các doanh nghiệp cũng cần xử lý thật nghiêm để ngăn chặn hành vi nhũng nhiễu từ cả phía đưa lẫn phía nhận. Các địa phương cần xây dựng hệ thống tiếp nhận thông tin về những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công chức trong quá trình xử lý hồ sơ. Khuyến khích các doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với đường dây nóng khi doanh nghiệp có dấu hiệu bị nhũng nhiễu bằng các khoản phí bôi trơn. Hệ thống này cũng đồng thời thể hiện rõ mong muốn và quyết tâm của chính quyền trong hỗ trợ doanh nghiệp có môi trường đầu tư minh bạch và lành mạnh khi nhanh chóng nắm bắt và xử lý những hành vi vòi vĩnh của cán bộ công chức.

“Triển khai quyết liệt và đồng bộ hệ thống Chính phủ điện tử nhằm công khai, minh bạch các loại quy trình, thủ tục, lệ phí, điều kiện, kết quả giải quyết hồ sơ, trả lời kiến nghị, khiếu nại… của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của các cơ quan công quyền nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng. Từ đó giúp giảm thiểu nguy cơ bị nhũng nhiễu trực tiếp từ cán bộ công chức khi doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ hành chính”, bà Anh nhấn mạnh.
Chi phí không chính thức là chỉ số thành phần thứ 5 cấu tạo nên bộ chỉ số PCI (chiếm trọng số 10%). Chỉ số thành phần này được đưa vào bộ chỉ số PCI nhằm đo lường các khoản chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả như: các trở ngại do những chi phí không chính thức này gây ra đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; việc trả những khoản chi phí không chính thức có đem lại kết quả hay “dịch vụ” như mong đợi và liệu các cán bộ nhà nước có sử dụng các quy định của địa phương để trục lợi hay không. Điểm số này là cơ sở để lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ công chức tại địa phương. Trong thời gian qua, chi phí không chính thức gây khá nhiều bức xúc cho doanh nghiệp khi đến làm việc tại các cơ quan hành chính.

Tin cùng chuyên mục