Kỳ đại hội TDTT sắp diễn ra tại Nam Định sẽ là lần thứ 7 được tổ chức và cũng là lần đầu tiên, các môn thi đấu được phân bổ trên nhiều địa phương ngoài địa điểm chính đăng cai là Nam Định. Tổng cộng có đến 10 địa phương cùng tham gia tổ chức. Chỉ riêng chi tiết này cũng đã cho thấy sự rối rắm của Đại hội TDTT toàn quốc.
Ban đầu, sự cần thiết của đại hội là rất rõ ràng. Ở kỳ đại hội đầu tiên năm 1985, chỉ có 27 đoàn về Hà Nội tham gia với vỏn vẹn gần 2.000 VĐV thi đấu ở 13 môn. Những con số đó cho thấy việc phát triển thể thao tại địa phương khá hạn chế, nên đại hội chính là cơ hội duy nhất để kiểm tra năng lực của nền thể thao cả nước trong bối cảnh đất nước còn khó khăn về kinh tế cũng như sự giao lưu giữa địa phương, vùng miền. Các kỳ đại hội lần 2, lần 3 cũng có ý nghĩa tương tự và khi đó, sự cần thiết tổ chức đại hội là không thể phủ nhận.
Thế nhưng, kể từ giữa thập niên 90 thế kỷ trước, các liên đoàn thể thao bắt đầu ra đời trong tiến trình xã hội hóa theo chủ trương của Nhà nước, thì việc tổ chức đại hội TDTT lại mất dần ý nghĩa.
Hàng năm, mỗi môn thi đấu đều có giải vô địch quốc gia (VĐQG) riêng, chưa kể các giải đấu phụ khác. Mỗi địa phương cũng tự tổ chức đại hội cho riêng mình và thành tích từng môn được đánh giá qua các giải VĐQG. Dù những năm có tổ chức đại hội, nhiều môn thể thao không tổ chức giải VĐQG mà lấy thành tích tại đại hội để xác định. Tuy nhiên, có không ít môn vẫn diễn ra giải vô địch và vẫn có thi đấu đại hội, tạo ra sự lãng phí lớn (như môn bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn…). Như vậy, thành tích tại đại hội hầu như không còn mang ý nghĩa gì cả.
Cũng có ý kiến cho rằng, với thể thao thế giới, người ta vẫn tổ chức các đại hội như Olympic, Asiad… dù hàng năm vẫn có những giải vô địch. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, các giải vô địch từng môn thể thao trên thế giới là sân chơi của các VĐV chuyên nghiệp, đại diện cho chính cá nhân hoặc các CLB nên vẫn cần có sân chơi dành cho mỗi quốc gia. Trong khi đó, ở Việt Nam hoàn toàn chưa có thể thao chuyên nghiệp thực thụ, các VĐV mỗi năm vẫn tập luyện và khoác áo địa phương thi đấu giải VĐQG bằng chính ngân sách bao cấp. Điều này tạo ra sự lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước đều đều hàng năm chứ không phải 4 năm một lần như Olympic, Asiad.
Một sự lãng phí khác còn nghiêm trọng hơn, đó là chi phí tổ chức đại hội. Trong 6 kỳ trước đây, 4 kỳ đầu do Hà Nội đăng cai và là điều kiện để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho cả quốc gia. Ví dụ như tại đại hội lần thứ 4-2002 có quy mô lớn nhất với gần 10.000 VĐV, thi đấu 33 môn, tuy nhiên vì đây là đợt tổng duyệt cho SEA Games 22 tổ chức vào năm sau đó. Kỳ đại hội lần 5-2006 tại TPHCM cũng không phát sinh chi phí do cơ sở có sẵn từ SEA Games 2003. Trong khi đó, ở kỳ đại hội lần 6-2010, Đà Nẵng đã đầu tư rất nhiều tiền cho cơ sở vật chất mà đến nay vẫn đang đau đầu bài toán sử dụng “hậu đại hội”. Dù sao thì Đà Nẵng vẫn là trung tâm thể thao lớn thứ 3 sau Hà Nội, TPHCM dành cho các đội tuyển quốc gia nên cũng còn đỡ lãng phí.
Ngược lại, kỳ đại hội 7-2014 với 10 địa phương đăng cai lần này rõ ràng đã không còn sự hiệu quả như mục đích ban đầu. Nam Định tốn hàng ngàn tỷ đồng, nhưng sau đại hội, họ cũng chẳng biết xử lý thế nào với cơ sở vật chất. Phối hợp đăng cai, tỉnh Hà Nam xây dựng một cung thể thao lên đến cả ngàn tỷ đồng (hiện xây chưa xong) nhưng địa phương này chỉ nổi tiếng với bóng đá nữ, các môn còn lại đều có thể lên Hà Nội tập. So với các thành phố trực thuộc trung ương, các địa phương khác không có sự phát triển thể thao mạnh, thi thoảng mỗi năm mới đăng cai một giải đấu nhỏ, càng xây dựng cơ sở lớn thì càng lãng phí.
Mới đây nhất, An Giang đang đối diện với bài toán ngân sách khi dự kiến chi gần 3.500 tỷ đồng cho đại hội TDTT lần 8-2018. Sau khi đồng ý để An Giang đăng cai, Chính phủ cũng lưu ý là ngân sách phải do địa phương tự cân đối chứ không lấy từ nguồn ngân sách chung. Nhưng chỉ riêng tiền xây mới sân vận động An Giang để thi đấu bóng đá đã ngốn gần 1.000 tỷ đồng, dù mới đây, đội An Giang đã giải tán vì không có vài chục tỷ đồng mỗi năm để hoạt động. Ngoài ra, có đến 8 địa điểm dự kiến xây mới, trong khi thể thao An Giang hiện đang phải thuê mướn các VĐV từ nơi khác để xây dựng phong trào địa phương. Thế thì tổ chức đại hội TDTT để làm gì?
Khang Việt