Gập ghềnh BOT

Tại cuộc họp chiều 17-5, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể khẳng định, không cần quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trạm BOT là 70km và sẽ kiểm điểm cá nhân, đơn vị đưa nội dung này vào dự thảo sửa đổi Thông tư 49/2016 về tiêu chí trạm thu phí BOT. Dự thảo lần 2 của Thông tư sửa đổi Thông tư 49/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của Bộ GTVT đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong bối cảnh người dân chưa nguôi bức xúc về những bất cập xung quanh trạm thu phí BOT, việc Bộ GTVT muốn bỏ quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trạm BOT là 70km, đồng thời bỏ nội dung lấy ý kiến của người dân địa phương và Hiệp hội Vận tải ô tô về vị trí đặt trạm dường như “đổ thêm dầu vào lửa”.

Theo lý giải của Bộ GTVT, việc bỏ quy định về khoảng cách trạm thu phí là tiếp thu ý kiến của các đơn vị và bộ, ngành liên quan. Trong đó, Bộ Tài chính cho rằng quy định trạm thu phí trên một tuyến đường cách nhau tối thiểu 70km chỉ phù hợp với các dự án áp dụng phương pháp thu hở (thu vé lượt) chứ không phù hợp với các dự án thu kín. Một số bộ, ngành khác cũng cho rằng hiện chưa rõ cơ sở khoa học để đưa ra quy định về khoảng cách giữa các trạm thu phí tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính. Tương tự, với việc Bộ GTVT muốn bỏ nội dung lấy ý kiến người dân và Hiệp hội Vận tải ô tô về vị trí đặt trạm thu phí BOT, các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ ý kiến ủng hộ. 

Tuy nhiên, về phía người dân, các ý kiến được hỏi đều không đồng tình với những điểm mới trong dự thảo lần này. Nhiều tài xế tỏ ý lo ngại về việc nếu bỏ quy định khoảng cách tối thiểu có thể khiến các trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc hơn. TS Nguyễn Xuân Thủy (NXB Giao thông) cũng cho rằng, cần giữ quy định khoảng cách tối thiểu 70km giữa các trạm thu phí bởi dù thế nào, các trạm BOT quá gần nhau cũng sẽ ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Các sở GTVT Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế…, trong ý kiến đóng góp cho dự thảo, đều chung quan điểm phải giữ quy định cự ly tối thiểu 70km và vị trí trạm phải được lấy ý kiến Hiệp hội Vận tải ô tô và sự đồng thuận của nhân dân địa phương xung quanh vị trí dự kiến đặt trạm. Đó là những nguyên tắc đưa ra nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân địa phương, tránh lặp lại những bất cập liên quan đến trạm thu phí BOT xảy ra trong thời gian qua.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, dự thảo vẫn đang trong quá trình tiếp thu ý kiến từ nay đến hết ngày 8-6, ban soạn thảo sẽ cân nhắc kỹ các nội dung nhằm đảm bảo văn bản ra đời sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho công tác quản lý, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các bên. Trong thời gian tới, các dự án BOT sẽ chỉ được thực hiện trên đường mới, không phải đường độc đạo, nghĩa là người dân có quyền từ chối đi đường BOT nếu thấy bất hợp lý, do đó không cần phải lo lắng về mật độ trạm thu phí và vị trí đặt trạm. 
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp vận tải, người dân địa phương và các hiệp hội vận tải là đối tượng chịu tác động trực tiếp của các trạm BOT mà không được quyền có ý kiến về vị trí đặt trạm chắc chắn sẽ lại gây ra những bức xúc như đã từng xảy ra. Hơn nữa, với những dự án BOT mới, nói người dân có quyền lựa chọn là về lý thuyết. Với thực trạng giao thông như hiện nay, doanh nghiệp gần như không có lựa chọn nào tốt, bởi nếu đi đường cũ thì chất lượng quá kém, tốc độ chậm, thường xuyên ùn tắc đẩy chi phí vận tải lên cao, trong khi phí bảo trì đường bộ vẫn đóng không ít. Còn nếu chọn đường BOT, dù đường tốt, đi nhanh nhưng mật độ trạm dày đặc chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp tăng gánh nặng chi phí. Buộc phải chọn đường mới không khác nào các doanh nghiệp đang bị “bắt bí”. 

Về ảnh hưởng của Thông tư sửa đổi Thông tư 49/2016/TT-BGTVT với tình hình thu phí BOT hiện nay, Bộ GTVT cho biết, các thông tư mới không có giá trị hồi tố với các dự án BOT đã thực hiện. Do đó, các trạm BOT đã hoàn thành rồi sẽ giữ nguyên trạng, những bức xúc tại các trạm BOT có khoảng cách không đủ 70km, có vị trí đặt trạm bất hợp lý vẫn đang tiếp tục được Bộ GTVT và các địa phương tìm cách tháo gỡ, trong đó, hướng giải quyết là miễn, giảm tối đa mức phí cho người dân khu vực lân cận trạm. Tùy theo doanh thu thực tế, Bộ GTVT sẽ quyết định mức giảm và thời gian thu phí của mỗi trạm. Bộ GTVT một lần nữa cũng khẳng định Nhà nước không có tiền để mua lại và xóa bỏ trạm thu phí hiện hành nào.

Tin cùng chuyên mục