Sản phẩm nội khó chen chân vào doanh nghiệp ngoại là thực tế mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải khi chào hàng sản phẩm của mình cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương, tính đến nay, Hàn Quốc và Nhật Bản đang là 2 nước dẫn đầu về vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như Hàn Quốc có đặc điểm chung là ưu tiên sử dụng sản phẩm của các công ty bản xứ thay vì ưu tiên sử dụng sản phẩm của các công ty Việt Nam. Lý giải thực tế này, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng do có sự khác nhau về chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế cho dù chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam có tương đồng, thậm chí có tốt hơn thì vẫn không được ưu tiên sử dụng. Điều này xuất phát từ chính sách trong việc buộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ưu tiên tiêu dùng sản phẩm nội địa của nước ta, còn nhiều lỗ hổng. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nếu nhập nguyên máy móc từ các doanh nghiệp nước bản xứ được miễn giảm thuế. Trong khi đó, sản phẩm doanh nghiệp nội địa phải đóng thuế nhập khẩu lẫn thuế đầu ra. Như vậy, so về mặt bằng giá thì doanh nghiệp nội cũng đã khó cạnh tranh lại so với sản phẩm ngoại nhập.
Trong công tác đấu thầu các dự án, bất chấp Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành những quy định về tỷ lệ sản phẩm nội địa phải ưu tiên, nhưng cho đến nay các doanh nghiệp vẫn không chấp hành. Thậm chí, ngay cả trong đầu tư công, các đơn vị cũng từ chối sử dụng sản phẩm nội địa. Nhiều doanh nghiệp Việt đã nhiều lần kiến nghị lên các ban ngành liên quan về những trường hợp điển hình từ chối hoặc gây khó trong việc lựa chọn sản phẩm nội. Thế nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Có thể nói, chưa bao giờ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mạnh vào Việt Nam như hiện nay. Điều này xuất phát từ việc Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương với nhiều nước trên thế giới. Rất nhiều chính sách hỗ trợ về đầu tư, thuế, đất đã được Việt Nam mở rộng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách phát triển kinh tế, thu hút đầu tư thì các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần xây dựng những chính sách phát huy nội lực cho các doanh nghiệp Việt. Chính sách này cần phải được tuân thủ chặt chẽ và đồng bộ tại tất cả các địa phương, nhất là tại 10 tỉnh thành khu vực phía Nam - khu vực đang thu hút rất mạnh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có như vậy thì chúng ta mới thực sự tạo sự bền vững cho sự phát triển kinh tế mà trong đó, doanh nghiệp nội cũng có cơ hội để cạnh tranh công bằng với những sản phẩm ngoại nhập vốn đang áp đảo ngay tại thị trường nước ta.
Minh Xuân