Gặp khó vì luật bất cập

Từ ngày 1-7-2010, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 có hiệu lực pháp luật. Qua hơn 7 năm thi hành, công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân và thể hiện vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. 
Tuy nhiên, đến nay, những bất cập của luật cũng bộc lộ rõ, khiến cơ quan có trách nhiệm cấp lẫn người dân có nhu cầu được cấp phiếu lý lịch tư pháp đều gặp khó.
Gặp khó vì luật bất cập ảnh 1 Người dân đến Sở Tư pháp TPHCM làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Thời gian xác minh kéo dài
TPHCM là địa phương có khối lượng công việc về lý lịch tư pháp rất lớn, chiếm 1/3 của cả nước. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM vừa qua, bà Hoàng Thị Hương Lan, Trưởng phòng Lý lịch tư pháp - Sở Tư pháp TPHCM, cho biết việc phối hợp xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp phiếu lý lịch tư pháp gặp khó khăn: Số lượng hồ sơ yêu cầu cấp phiếu có thông tin tiền án, tiền sự khá nhiều trong khi dữ liệu lý lịch tư pháp chưa hoàn chỉnh; cơ sở dữ liệu không đủ thông tin về bản án, về việc chấp hành bản án của người bị kết án, đặc biệt là các thông tin có trước ngày 1-7-2010.
Nhiều trường hợp bản án đã được tòa án tuyên khá lâu, người bị kết án, các cơ quan liên quan không còn lưu giữ được các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thi hành bản án; một người có nhiều án tích hoặc có quá trình cư trú tại nhiều địa phương khác nhau; một số địa phương bị chia tách, hợp nhất địa giới hành chính… Những khó khăn trên đã làm phát sinh thời gian xác minh tại nhiều cơ quan. 
Bên cạnh đó, việc Luật Lý lịch tư pháp chưa quy định cụ thể cơ chế phối hợp để xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích cũng khiến tiến độ cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân trong một số trường hợp bị chậm. Để khắc phục tình trạng này, cần phải ban hành quy chế phối hợp xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích, trong đó xác định rõ thời gian xác minh của từng cơ quan, cũng như cách thức xử lý thông tin lý lịch tư pháp khi hết thời gian quy định mà không nhận được văn bản xác minh của các cơ quan liên quan.
Ông Lê Hữu Hòa, Phó cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TPHCM, xác nhận việc phối hợp cung cấp thông tin chưa đồng bộ giữa các cơ quan với nhau là do chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung về thông tin lý lịch tư pháp. Một trong những nguyên nhân là phần mềm, cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp chưa được phổ biến rộng rãi đến các cơ quan hữu quan, đặc biệt là các cơ quan có nhu cầu tra cứu, xác minh, nên việc cung cấp thông tin vẫn còn phụ thuộc vào hình thức truyền thống là văn bản giấy.
Lo ngại việc tùy tiện đòi Phiếu lý lịch tư pháp số 2 
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp, cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu. Điều này gây sự bất tiện cho người dân bởi có không ít trường hợp học sinh, sinh viên, công dân Việt Nam đang làm việc, định cư ở nước ngoài không thể có mặt trực tiếp nộp hồ sơ như theo quy định.
Để tháo gỡ vướng mắc này, Sở Tư pháp TPHCM mạnh dạn giải quyết cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 qua bưu điện cho công dân, với một số điều kiện và các bước thực hiện chặt chẽ. Thế nhưng, đây chỉ là giải pháp cải cách thủ tục hành chính của Sở Tư pháp TPHCM. Để thật sự tạo thuận tiện cho người dân, quy định không phù hợp thực tế này cần sớm được sửa đổi.
Một vấn đề lo ngại được đặt ra là tình trạng lạm dụng yêu cầu cá nhân phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 ngày càng gia tăng. Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 2 phải ghi đầy đủ thông tin về án tích, hình phạt, tội danh… ngay cả khi cá nhân đã được xóa án tích. Theo Sở Tư pháp TPHCM, hiện nay một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài lạm dụng quy định này, yêu cầu người dân cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 với những thông tin về án tích đã được xóa.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, cho rằng trong nhiều trường hợp, quy định của Nhà nước không yêu cầu phải cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 nhưng vì muốn “chắc ăn” nên cơ quan, đơn vị yêu cầu người dân phải nộp. Điều này vừa tạo sự quá tải không cần thiết cho các cơ quan có trách nhiệm cấp phiếu, vừa đẩy cái khó cho người dân. 
Từ bất cập phát sinh trong thực tế, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và bí mật đời tư của cá nhân, không làm ảnh hưởng tới ý nghĩa nhân đạo của chế định xóa án tích, Sở Tư pháp TPHCM đã đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa quy định của Luật Lý lịch tư pháp theo hướng không cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân mà chỉ cấp phiếu cho cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Kiến nghị này nhận được sự đồng tình từ Công an TPHCM cũng như một số cơ quan có liên quan khác.

Tin cùng chuyên mục